Phê duyệt tổ chức giao thông tạm thời tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn

Sau khi được khánh thành vào ngày 31/12/2022, cao tốc Cam Lộ-La Sơn kết nối Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị sẽ được tổ chức giao thông tạm thời trong thời gian 2 tháng.

Những chiếc xe đầu tiên lăn bánh trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt phương án tổ chức giao thông tạm thời đối với dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ-La Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Thời gian thực hiện 2 tháng tính từ ngày 31/12/2022.

Trong thời gian tổ chức giao thông tạm thời, các phương tiện không được lưu thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn gồm xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ; xe máy, xe môtô hai bánh; máy kéo, xe môtô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự (trừ các phương tiện tuần tra theo quy định); xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc); xe thô sơ, người đi bộ và xe súc vật kéo.

Phương tiện lưu thông trên đường cao tốc theo hai chiều riêng biệt; các xe chỉ được ra, vào đường cao tốc ở các nút giao gồm nút giao với Quốc lộ 9 tại Km0+000 thiết kế dạng giao bằng vuốt nối ngã ba; nút giao với Quốc lộ 15D tại Km30+496; nút giao với tỉnh lộ 9B và tỉnh lộ 11B tại Km48+827; nút giao với Quốc lộ 49 và Quốc lộ 1 tránh thành phố Huế tại Km80+139 và nút giao với tỉnh lộ 14B tại Km102+043.

Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương và các đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi, đánh giá phương án tổ chức giao thông trên tuyến.

Trường hợp phát sinh các bất cập chưa phù hợp với điều kiện giao thông thực tế trên đường cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường bộ chủ động phối hợp với Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo kịp thời Bộ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Sau 2 tháng đưa công trình vào khai thác, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát về tình hình an toàn giao thông trên tuyến. Trường hợp cần thiết thì phối hợp với Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh điều chỉnh vạch sơn tim nét đứt tại các vị trí nêu trên thành vạch nét liền và các vấn đề khác có liên quan, bảo đảm giao thông trên tuyến được an toàn.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Bộ phê duyệt phương án tổ chức giao thông chính thức của dự án.

[Khánh thành cao tốc Cam Lộ-La Sơn kết nối Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị]

Liên quan đến việc hiện trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn chưa có trạm dừng nghỉ, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Cao tốc cho biết dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông có đặc điểm ngoài khai thác công trình còn có các yếu tố khác mang tính chất kinh doanh.

Khẳng định trong Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư xác định rõ nội dung trạm dừng nghỉ xây dựng xã hội hoá không tính vào tổng mức đầu tư của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt vị trí và quy mô các trạm dừng nghỉ và đang xây dựng cơ chế để đầu tư trạm dừng nghỉ, trong đó xây dựng Thông tư để kêu gọi đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ để đề xuất lựa chọn nhà đầu tư.

Thừa nhận thực tế hiện nay rất khó khăn trong việc xác định doanh thu của trạm dừng nghỉ vì không có phương pháp xác định, một số trạm dừng nghỉ chưa đáp ứng với quy định hiện hành và đang phải tiếp tục rà soát, ông Thành cho hay Bộ Giao thông Vận tải hiện đang chỉ đạo Cục Cao tốc cùng các cơ quan liên quan như Cục Đường bộ Việt Nam khảo sát, đánh giá và xây dựng Thông tư làm cơ sở kêu gọi đầu tư trạm dừng nghỉ để phục vụ các dự án cao tốc tiếp theo./.

Việt Hùng (Vietnam+)