Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Theo quy hoạch tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố xanh, thông minh, trung tâm công nghiệp.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Ngày 15/4, tại Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Đây là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch.

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch tỉnh đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, trong suốt quá trình lập, thẩm định và trình duyệt quy hoạch, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với các cơ quan chuyên môn, thường xuyên báo cáo, xin ý kiến Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học để tổ chức triển khai đảm bảo theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh quy hoạch tỉnh là cơ sở quan trọng, là kim chỉ nam để các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại. Đây cũng là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.

[Thái Nguyên: Tổng vốn đầu tư công trung hạn là hơn 27.400 tỷ đồng]

Để quy hoạch sớm đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh phổ biến các nội dung cốt lõi, cơ bản của Quy hoạch tỉnh sâu rộng tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch.

Các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, xây dựng bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt và theo đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các đại biểu tham quan bản đồ quy hoạch tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Theo Quyết định quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích tự nhiên là 352.196ha gồm 9 đơn vị hành chính: 3 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 6 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đông Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.

Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên sẽ là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng./.

Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)