Phe đối lập muốn ngăn Thủ tướng Haiti Ariel Henry về nước
Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã tới Mỹ hôm 7/9 để gặp gỡ các doanh nhân quan tâm đến hoạt động đầu tư vào Haiti và dự kiến sẽ về nước vào ngày 9/9.
Ngày 8/9, cựu thượng nghị sỹ và lãnh đạo của đảng Pitit Dessalines, Moïse Jean Charles đã kêu gọi những người ủng hộ phong tỏa sân bay quốc tế Toussaint Louverture để ngăn cản Thủ tướng Haiti Ariel Henry trở về nước.
Ông Henry đã tới Mỹ hôm 7/9 để gặp gỡ các doanh nhân quan tâm đến hoạt động đầu tư vào Haiti và dự kiến sẽ về nước vào ngày 9/9.
Chuyến công tác của Thủ tướng Henry diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình dữ dội đang nổ ra ở thủ đô và nhiều thành phố lớn khác của Haiti nhằm phản đối tình trạng lạm phát, thiếu nhiên liệu, mất an ninh, và yêu cầu Thủ tướng từ chức.
[Biểu tình phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu ở thủ đô của Haiti]
Cựu thượng nghị sỹ Jean Charles từng là thị trưởng của đô thị Milot, ở miền Bắc Haiti. Chính trị gia này đang kêu gọi người dân tiếp tục phong trào bình dân và biểu tình trước các tổ chức ngân hàng và công ty tư nhân.
Tình hình ở Haiti ngày càng trở nên tồi tệ với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sau 4 năm suy thoái, trong khi lạm phát ở mức 30,5% vào tháng 7 và lương thực tăng hơn 30% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, xung đột giữa các nhóm vũ trang đã khiến hơn 20.000 người phải sơ tán kể từ tháng 4. Những người sống sót trong các cuộc xung đột phải sống đời sống bấp bênh tại nơi trú ẩn.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Haiti tiếp tục kéo dài dai dẳng trong bối cảnh các lực lượng chính trị không đạt được thỏa thuận và khả năng tổ chức bầu cử để hợp pháp hóa các vị trí lãnh đạo vẫn còn rất xa vời. Kể từ năm 2020, Haiti không có Nghị viện.
Ghế chủ tịch Tòa giám đốc thẩm, cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước, vẫn bỏ trống do người đứng đầu mất vì COVID-19, trong khi cố Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát hồi tháng 7/2021./.