Phe đối lập Bangladesh yêu cầu cải cách và tổ chức tổng tuyển cử sớm

Đảng BNP - do cựu Thủ tướng Khaleda Zia nắm cương vị Chủ tịch - đã phát động cuộc biểu tình nhằm hối thúc Chính phủ lâm thời nhanh chóng tiến hành cải cách và công bố kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử.

Người dân tham gia một cuộc biểu tình tại Dhaka, Bangladesh, ngày 18/7/2024. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Nam Á, hàng chục nghìn người ủng hộ đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) ngày 8/11 đã xuống đường tại thủ đô Dhaka, kêu gọi Chính phủ lâm thời nhanh chóng triển khai các chương trình cải cách và tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Bangladesh hiện được điều hành bởi chính phủ lâm thời dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng được chỉ định Muhammad Yunus, sau sự sụp đổ của chính quyền cựu Thủ tướng Sheikh Hasina hồi tháng Tám.

Đảng BNP - do cựu Thủ tướng Khaleda Zia nắm cương vị Chủ tịch - đã phát động cuộc biểu tình nhằm hối thúc Chính phủ lâm thời của ông Yunus nhanh chóng tiến hành cải cách và công bố kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, bà Zia đang gặp vấn đề sức khỏe và không thể tham gia trực tiếp vào sự kiện này.

Người con trai của cựu Thủ tướng Zia - ông Tarique Rahman - hiện sống lưu vong tại Anh từ năm 2008 nhưng vẫn tiếp tục điều hành BNP từ xa.

Cuộc biểu tình đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà hoạt động BNP, khi họ diễu hành qua những đại lộ chính của thủ đô Dhaka, hướng về tòa nhà Quốc hội Bangladesh để thể hiện yêu cầu thay đổi chính trị.

Trong bài phát trực tuyến từ London, ông Rahman nhấn mạnh Chính phủ lâm thời Bangladesh không được phép thất bại trong nỗ lực giải quyết các thách thức lớn để duy trì trật tự và ổn định cho đất nước.

Quyền Chủ tịch BNP tuyên bố mọi thất bại của Chính phủ lâm thời đều không thể chấp nhận được.

Cũng theo ông Rahman, Chính phủ lâm thời cần thực hiện các biện pháp quyết liệt và hiệu quả để đáp ứng kỳ vọng của người dân Bangladesh.

Ông khẳng định BNP sẽ tiếp tục những cuộc biểu tình trong vài tháng tới nếu Chính phủ lâm thời không đưa ra lộ trình rõ ràng cho cuộc tổng tuyển cử.

Đồng thời, quyền Chủ tịch BNP còn cảnh báo về sự hiện diện của những người ủng hộ chính quyền cũ dưới thời cựu Thủ tướng Hasina, vốn đang tìm cách làm suy yếu Chính phủ lâm thời.

Trong khi đó, Chính phủ lâm thời của ông Yunus vẫn chưa ấn định thời gian cụ thể cho cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, mặc dù BNP đã yêu cầu tổ chức bầu cử trong vòng 3 tháng sau khi vị Tiến sỹ kinh tế được trao Giải Nobel Hòa bình tiếp quản quyền lực vào tháng Tám.

Tình hình chính trị của Bangladesh đang ở trong giai đoạn đầy biến động, khi cựu Thủ tướng Hasina phải đối mặt với các cáo buộc về tội ác chống lại loài người, liên quan đến hàng trăm cái chết trong làn sóng biểu tình hồi tháng Bảy năm nay.

Chính phủ Bangladesh cam kết sẽ tìm cách đưa bà về nước sau khi có phán quyết của tòa án./.