Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh nếu không quản lý, bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả thì chắc chắn không có những nền tảng để hướng tới phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh vùng Tây Nguyên.
Ngày 4/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng."
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế phát triển kinh tế cũng như lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng.
Thời gian qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" (Chỉ thị 13). Trung ương đề ra mục tiêu giai đoạn 2030, tỷ lệ che phủ rừng ở Tây Nguyên đạt trên 47%.
Đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển.
[7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển vùng Tây Nguyên]
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề như: chính sách, pháp luật đất đai hiện hành; phân tích, đánh giá một số cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng, nhất là bảo đảm sinh kế cho các dân tộc thiểu số tại chỗ cũng như giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên.
Các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của vùng Tây Nguyên hiện nay. Đó là diện tích rừng bị suy giảm nhanh do tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Việc chống đối người thi hành công vụ bảo vệ rừng tiếp tục diễn ra gay gắt. Công tác tuyên truyền, vận động dù thực hiện thường xuyên, nhưng hiệu quả chưa cao. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng còn thấp, chưa thu hút được người dân tham gia. Người làm nghề rừng chưa sống được bằng nghề rừng.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, địa phương gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào hoạt động nông, lâm nghiệp. Tổ chức quản lý rừng chưa bền vững và các hoạt động kinh tế rừng đang ở giai đoạn sơ khai, kết quả đạt được chưa rõ nét. Nguyên nhân là do một số cơ sở pháp lý còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh còn nhiều hạn chế. Quy hoạch đất đai, lâm nghiệp và các ngành, lĩnh vực chưa tốt, đặc biệt quy hoạch lâm nghiệp thường xuyên bị thay đổi.
Diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cơ bản bị người dân lấn chiếm để sản xuất, trồng các loại cây. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng thấp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị tiếp tục duy trì chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; phát huy thế mạnh của rừng thông qua hoạt động cho thuê môi trường rừng. Các cấp cần từng bước tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu, hành lang pháp lý để tiếp cận và tham gia thị trường carbon.
Ngoài khai thác thì làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng gắn với du lịch sinh thái. Vấn đề phát triển rừng gắn với du lịch sinh thái, các bộ, ngành Trung ương cần sớm có hướng dẫn cụ thể.
Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đóng góp của các đại biểu. Các tham luận, phát biểu tại hội thảo sẽ đóng góp quan trọng, phục vụ cho công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp, tiếp thu những nội dung được trình bày và ý kiến đóng góp để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian tới.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh nếu không quản lý, bảo vệ, phát triển rừng có hiệu quả thì chắc chắn không có những nền tảng để hướng tới phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên. Thời gian tới, cần khai thác tiềm năng của các tỉnh Tây Nguyên dựa trên 4 trụ cột.
Đó là phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; đổi mới phương thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ quy mô lớn; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, thực hiện phục hồi rừng tự nhiên bằng giải pháp phù hợp...
Nội dung kinh tế tuần hoàn phải là một trong những nội dung cơ bản được đưa vào trong quy hoạch của các tỉnh Tây Nguyên./.