Phát triển hợp tác xã gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực
Tỉnh Cà Mau chú trọng việc củng cố, kiện toàn các hợp tác xã đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau định hướng trong năm 2024 sẽ phát triển mới 20 hợp tác xã và 100 tổ hợp tác; trong đó chú trọng phát triển hợp tác xã trên các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa bàn các xã điểm xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, phấn đấu thành lập một liên minh hợp tác xã.
Tỉnh đẩy mạnh xây dựng mô hình hợp tác xã gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực quốc gia, địa phương; thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thông mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là mục tiêu quan trọng được đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Cà Mau năm 2024 vừa được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau ký ban hành.
Theo đó, thu nhập bình quân của người lao động và thành viên trong các hợp tác xã đạt trên 50 triệu đồng. Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 1 tỷ đồng trở lên. Tỷ lệ cán bộ chủ chốt hợp tác xã đã qua đào tạo khoảng 20%; trên 90% cán bộ chủ chốt hợp tác xã được bồi dưỡng bổ sung các kiến thức về hợp tác xã và các chính sách pháp luật có liên quan kinh tế tập thể. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 20% trở lên và giải thể các hợp tác xã yếu kém, ngưng nghỉ hoạt động, vi phạm Luật Hợp tác xã.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, giá trị hợp tác xã và các quy định của pháp luật. Tỉnh khuyến khích xây dựng mối liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, mở rộng quy mô, nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
[Phú Quốc đẩy mạnh xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP]
Tỉnh chú trọng việc củng cố, kiện toàn các hợp tác xã đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thay đổi quy trình canh tác theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.
Đồng thời địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình khởi nghiệp; chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các chương trình khác do trung ương và của tỉnh ban hành.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, trong số 274 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thì có 246 hợp tác xã đang hoạt động, 28 hợp tác xã ngưng hoạt động và 7 hợp tác xã đã giải thể. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỉnh thành lập mới 20 hợp tác xã, giải thể 35 hợp tác xã và còn lại tổng số 248 hợp tác xã, trong đó có 135 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Doanh thu bình quân ước đạt 950 triệu đồng và lợi nhuận ước đạt 300 triệu đồng/năm/hợp tác xã.
Toàn tỉnh hiện có 978 tổ hợp tác, thu hút hơn 14.200 tổ viên tham gia; trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 927 tổ hợp tác và lĩnh vực phi nông nghiệp có 51 tổ hợp tác. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập và đi vào hoạt động 1 liên hiệp hợp tác xã với sự tham gia của 6 hợp tác xã thành viên và 59 lao động./.