Phát triển hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa ở vùng Đông Nam Bộ
Với định hướng phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, công nghiệp văn hóa là một trong những trụ cột, tạo sự phát triển toàn diện, bền vững, được các địa phương quan tâm thực hiện.
Vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.
Với định hướng phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những trụ cột, tạo sự phát triển toàn diện, bền vững, được các địa phương quan tâm thực hiện.
Xác định các ngành ưu tiên
Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam gồm 12 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có những tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau.
Các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ đã nhận diện các ngành thế mạnh, phù hợp với đặc thù địa phương để có giải pháp phát triển phù hợp.
Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng, có nhiều lợi thế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Lãnh đạo thành phố nhận định xét khía cạnh nguồn lực kinh tế, Thành phố có thuận lợi với khoảng 17.670 doanh nghiệp hoạt động ở các ngành, lĩnh vực như điện ảnh, phát thanh-truyền hình, quảng cáo, nhiếp ảnh, thời trang, kiến trúc, du lịch, triển lãm, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng... Giá trị sản xuất hằng năm của các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp văn hóa đều tăng.
Liên quan đến nguồn nhân lực, Thành phố có đội ngũ nhân lực hoạt động trực tiếp ở các ngành công nghiệp văn hóa thuộc loại đông đảo nhất cả nước. Hiện, nhân lực hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa chủ lực ở các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố khoảng 90.000 người. Trong đó, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là lao động các ngành quảng cáo, triển lãm, du lịch, văn hóa.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, Thành phố lựa chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030 gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.
Cùng thuộc Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước có khoảng 20% dân số là người dân tộc thiểu số, 41 thành phần dân tộc, tạo nên “kho tàng” văn hóa phong phú, là sự tổng hòa bản sắc của các dân tộc anh em.
Tỉnh còn có hệ thống rừng nguyên sinh, danh lam thắng cảnh đa dạng, hệ thống các di tích lịch sử-văn hóa. Nổi bật là các di tích: Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, Nhà giao tế, sân bay quân sự Lộc Ninh, nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ-Phú Riềng Đỏ...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh khẳng định tỉnh tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có nhiều lợi thế như du lịch văn hóa gắn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các hoạt động khám phá trải nghiệm, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, quảng cáo, truyền hình và phát thanh. Trong đó, du lịch văn hóa là một trong các thế mạnh đặc thù, đưa Bình Phước trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở Đông Nam Bộ.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tỉnh có 50 thành phần dân tộc cùng chung sống trên vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời có sự hội nhập, giao lưu đa dạng. Cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là những ngành có lợi thế. Trong các ngành thuộc công nghiệp văn hóa, tại Đồng Nai, quảng cáo và du lịch văn hóa phát triển mạnh mẽ nhất.
Đơn cử với ngành công nghiệp quảng cáo, Đồng Nai thuộc tứ giác phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu).
Đồng Nai là mắt xích quan trọng trong liên kết nội vùng thông qua kết nối đa phương tiện như: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt là Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành khi được đưa vào khai thác sẽ góp phần tăng thuận lợi cho phát triển công nghiệp quảng cáo.
Lộ trình phù hợp, giải pháp đột phá
Thành phố Hồ Chí Minh xác định đầu tư cho phát triển văn hóa là đầu tư cho con người, cho phát triển bền vững.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh thu đóng góp từ các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 5,7 % GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và năm 2030 đóng góp khoảng 7-8% GRDP toàn thành phố.
Thành phố xác định cần có sự đầu tư từ ngân sách tạo nền tảng, động lực, đồng thời định hướng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Cùng đó, Thành phố vận dụng các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để huy động nguồn vốn xã hội hóa, chọn mô hình hợp tác phù hợp, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Thành phố đầu tư xây dựng và kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều thiết chế văn hóa hiện đại, phù hợp. Trong số đó có các thiết chế cần tập trung đầu tư như: Trung tâm Văn hóa thể thao đa năng Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ, Trung tâm Giám định và Đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, không gian công cộng và phố đi bộ...
Thành phố đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Cụ thể là xây dựng vùng nguyên liệu truyền thống cho ngành công nghiệp thời trang, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, xây dựng các tuyến du lịch văn hóa đặc trưng của khu vực; đồng thời liên kết tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, thường niên như: Lễ hội Đờn ca tài tử Nam Bộ, Lễ hội sông nước, Lễ hội ẩm thực Nam Bộ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin Ngành Văn hóa và Thể thao cùng với các ngành, địa phương tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với hình thành nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử mang tính đặc trưng; xây dựng, phát triển các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn mang thương hiệu của Thành phố và hình thành thương hiệu quốc gia như: Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò Dô, Liên hoan Phim quốc tế cùng nhiều sản phẩm nghệ thuật truyền thống, làng nghề, Lễ hội nghệ thuật đường phố.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, từ tiềm năng, tỉnh khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát triển sản phẩm văn hóa đưa ra thị trường, nhất là xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Đơn cử với ngành công nghiệp quảng cáo, tỉnh xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời; tăng cường phối hợp, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động quảng cáo gắn với phát triển công nghiệp văn hóa.
Tỉnh thực hiện việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời, các loại hình và cách thức quảng cáo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động quảng cáo với định hướng phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao, phù hợp với xu hướng thế giới, đồng thời đảm bảo hài hòa bản sắc văn hóa dân tộc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên các thế mạnh về văn hóa là một hướng đi bền vững cho ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Bình Phước. Cũng từ phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa sẽ tạo góp phần tạo thuận lợi trong tiêu thụ hàng hóa đặc sản và dịch vụ tại chỗ, đồng thời tăng nguồn lực bảo tồn di sản văn hóa, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống.
Du lịch Bình Phước phấn đấu năm 2025, đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động. Du lịch văn hóa là một trong các sản phẩm chủ lực để Bình Phước phát triển du lịch đạt mục tiêu đề ra.
Bình Phước cũng tăng cường tổ chức các sự kiện, lễ hội, chuỗi hoạt động du lịch theo hướng đặc sắc, tạo nét khác biệt, đậm giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, gắn các hoạt động du lịch với hoạt động văn hóa, thể thao mang tầm cỡ khu vực và quốc gia.
Tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cụm tour, tuyến du lịch đã được quy hoạch theo hướng chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm tính bền vững.
Đồng thời, tỉnh bố trí từ nguồn vốn ngân sách cho chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, từng bước xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đưa Bình Phước trở thành địa phương sáng tạo phát triển công nghiệp du lịch văn hóa tiêu biểu ở khu vực Đông Nam Bộ./.