Phát triển hệ thống đường sắt đô thị: Những thách thức của Thành phố Hồ Chí Minh
Theo tính toán sơ bộ, giai đoạn từ nay đến năm 2035, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 790.528 tỷ đồng (tương đương 32,973 tỷ USD), không bao gồm vốn tuyến metro số 1, để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị.
Giai đoạn từ nay đến năm 2035, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải xây dựng, hoàn thiện hơn 180km đường sắt đô thị.
Ngoài gần 20km của tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã gần đưa vào khai thác, việc đầu tư các dự án còn lại đang là thách thức lớn, đòi hỏi những cơ chế vượt trội để triển khai.
Đầu tư có trọng tâm
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống đường sắt đô thị thành phố bắt đầu xây dựng năm 2007, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng giao thông không bắt kịp tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay.
Tình trạng mất cân đối về thị phần vận tải giữa các phương thức dẫn đến nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, chi phí vận tải lớn, ô nhiễm môi trường.
Thực tế cho thấy theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng đảm nhận từ 35-45%, tuy nhiên thị phần rất thấp, hiện chỉ đạt khoảng 10%. Một trong những nguyên nhân khiến thị phần vận tải hành khách công cộng không đạt mục tiêu quy hoạch là việc chậm trễ trong phát triển và đưa vào sử dụng hệ thống đường sắt đô thị.
Sau khoảng 14 năm triển khai, đến nay, tuyến metro số 1 mới cơ bản hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2024, đầu năm 2025. Trong khi đó, tuyến metro số 2 (giai đoạn 1) đang chuẩn bị mặt bằng cho công tác xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030; tuyến metro số 5 (giai đoạn 1) đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035. Hiện, thành phố đang hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển, huy động nguồn vốn để thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia.
Theo Sở Giao thông Vận tải, thành phố sẽ ưu tiên các tuyến trên hành lang có nhu cầu hành khách đi lại lớn, phù hợp với loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn trong đô thị; đầu tư tuyến xuyên tâm trước, sau đó đến các tuyến vành đai.
"Việc đầu tư đảm bảo tiếp cận với đô thị, khu vực có mật độ dân cư cao, trung tâm; kết nối các vùng đô thị, mở rộng không gian phát triển đô thị. Các tuyến phải liên kết được các phương thức vận tải; tạo ra cơ hội để phát triển mô hình TOD, tăng giá trị quỹ đất xung quanh các nhà ga," đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc khẩn trương đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị. Điều này cũng phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ và quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tuyến này sẽ giúp tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên địa bàn, đồng thời mở ra cơ hội phát triển đô thị hiện đại, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị.
Cần nhiều cơ chế vượt trội
Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển đường sắt đô thị để hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Thành phố hướng tới đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế vào năm 2045; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%.
Cụ thể, đến năm 2035, thành phố hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị của 6 tuyến gồm số 1, số 2, số 3, số 4, số 5, số 6.
Đến năm 2045, xây dựng thêm khoảng 168km của 7 tuyến (gồm xây mới và hoàn thiện), nâng tổng chiều dài lên khoảng 351km.
Đến năm 2060, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng thêm 3 tuyến, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510km.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết theo kế hoạch, đến năm 2035, thành phố cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi chỉ trong vòng 10 năm phải hoàn thiện 183km đường sắt đô thị, với số vốn đầu tư lên tới hơn 30 tỷ USD.
Theo tính toán sơ bộ, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố cần khoảng 790.528 tỷ đồng (tương đương 32,973 tỷ USD), không bao gồm vốn tuyến metro số 1, để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị.
Theo ông Lâm, để thực hiện mục tiêu này cần phải xây dựng cơ chế, chính sách khác biệt vượt trội, gồm các nhóm về quy hoạch; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư; tổ chức quản lý, khai thác…
Hiện nay, qua trao đổi với các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội, Tổ Công tác xây dựng Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thiện các nhóm cơ chế chính sách trong Đề án, bao gồm 6 nhóm với 28 cơ chế.
Trong 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cho phép căn cứ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đã được cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư và Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất được quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình tự lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án được thực hiện tương tự như dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.
Về huy động vốn, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và được quyền quyết định chính sách hấp dẫn về lãi suất cho trái phiếu, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho thành phố vay lại và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác…
Đối với các cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh muốn được rút gọn các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thay thế quy trình điều chỉnh và việc ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch bằng văn bản chấp thuận của Ủy ban Nhân dân thành phố; thành lập Tổng Công ty Đường sắt Đô thị do thành phố nắm giữ 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành. Doanh nghiệp này được sử dụng nguồn vốn đầu tư công để phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến khi chủ động được vốn.
Thành phố cũng đề xuất được áp dụng phương thức Quy hoạch điều chỉnh đất trong khu vực đô thị phát triển theo mô hình TOD; tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xem xét quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn của dự án; chuyển giao công nghệ đối với một số thiết bị công nghiệp về đường sắt đô thị…
Việc xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách này được Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn. Hệ thống đường sắt đô thị được xem là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới./.