Phát triển hài hòa thủy điện: Những lợi ích lớn về kinh tế-xã hội

Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông, lưới điện cho khu vực đầu tư, các công trình thủy điện mỗi năm đóng góp từ 1.200-1.300 tỷ đồng cho Kon Tum, chiếm 40-45% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Công trình thủy điện Thượng Kon Tum. (Nguồn: congthuong.vn)

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất lắp máy trên 870 MW.

Cụ thể, tỉnh có 28 dự án đã hoàn thành với tổng công suất 329,4 MW; 12 dự án thực hiện báo cáo khởi công xây dựng, tổng công suất 193,1 MW; 37 dự án đang lập dự án đầu tư xây dựng, tổng công suất 328,6 MW.

Các công trình thủy điện sau khi được hoàn thành đã và đang mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho cả địa phương và người dân sinh sống gần vùng thủy điện. Song, cũng để lại nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho một bộ phận người dân.

Chính vì vậy, việc phát triển thủy điện gắn liền với lợi ích của người dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân được xem là yếu tố quyết định mang đến sự ổn định, lâu dài, bền vững cho ngành công nghiệp thủy điện ở tỉnh Kon Tum.

Bài 1: Nâng cao chất lượng đời sống người dân

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, các công trình thủy điện trong quá trình xây dựng đã tạo ra một nguồn việc làm ổn định cho người dân trong vùng dự án.

Khi triển khai, các nhà đầu tư sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thiết kế hệ thống giao thông phục vụ thi công.

Sau khi các nhà đầu tư thi công xong công trình sẽ bàn giao cho ngành điện lực quản lý, vận hành, phục vụ điện trực tiếp cho người dân. Từ đó, góp phần giảm bớt việc đầu tư hệ thống lưới điện đến các thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa.

Kon Plông là một trong những địa phương có số lượng công trình thủy điện lớn của tỉnh Kon Tum, với 5 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tổng công suất 325,3 MW. Ngoài ra, có 4 dự án đang triển khai xây dựng với tổng công suất 38,2 MW; 14 dự án đang lập dự án đầu tư với tổng công suất 158,5 MW.

Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông cho biết các dự án thủy điện đã hỗ trợ huyện trong chính sách về đền bù, định canh định cư và nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, phục vụ đi lại của người dân và đường dây điện phụ tải.

Đơn cử, tuyến đường Tỉnh lộ 676 nối thị trấn Măng Đen đi các xã Măng Cành, Đăk Ring, Đăk Tăng, Măng Bút phục vụ đi lại và vận chuyển nông sản của hàng nghìn hộ dân.

Trước đây, tuyến đường này chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, lầy lội, gây khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, kể từ khi Thủy điện Thượng Kon Tum được khởi công vào năm 2009, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (chủ đầu tư dự án) đồng thời tiến hành cải tạo, nâng cấp tuyến đường Tỉnh lộ 676.

Ông A In, thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông chia sẻ, trước đây, người dân gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển trên tuyến đường Tỉnh lộ 676. Khi đến mùa thu hoạch nông sản như lúa, sắn, ngô… các phương tiện vận tải lớn không thể vào được đến rẫy của người dân, nên buộc phải tự vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ, thậm chí dùng gùi, vận chuyển bộ ra thị trấn Măng Đen để bán cho các thương lái.

"Tuyến Tỉnh lộ 676 được xây dựng không chỉ là niềm vui của bà con nhân dân tại xã Măng Cành, mà còn là niềm vui chung của bà con các xã Đăk Ring, Đăk Tăng, Măng Bút. Bây giờ thu hoạch nông sản, thương lái vào tận nơi, không phải vất vả như trước nữa. Đời sống của người dân bây giờ đã tốt hơn gấp nhiều lần so với trước đây rồi," ông A In vui vẻ nói.

[Khánh thành nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 công suất 147MW]

Cũng chính việc đầu tư, xây dựng các tuyến đường giao thông và hệ thống lưới điện của các đơn vị chủ đầu tư thủy điện, nên các xã được hưởng lợi đã đạt được nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua đó, thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

Theo ông A Xinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Măng Cành, huyện Kon Plông, xã có trên 20 km đường giao thông được sửa chữa, nâng cấp bởi các chủ đầu tư thủy điện. Kể từ khi được đầu tư, việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con thuận lợi hơn rất nhiều, nên thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên. Đến năm 2020, xã Măng Cành đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Còn ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Măng Bút, huyện Kon Plông chia sẻ, trước đây, mỗi lần di chuyển từ thị trấn Măng Đen đến xã Măng Bút phải mất một ngày đường, chủ yếu là đi bộ, rất khó sử dụng phương tiện. Nhưng từ khi tuyến Tỉnh lộ 676 được xây dựng, việc đi lại đã dễ dàng, thuận tiện hơn và ông chỉ mất hơn một giờ đồng hồ để di chuyển từ thị trấn Măng Đen về xã.

"Tuyến đường Ngọc Hoàng-Măng Bút được kiên cố hóa đã giúp cho hàng hóa được thông thương, tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn xã phát triển đa ngành, đa nghề, tạo nhiều việc làm cho nhân dân tại chỗ. Nhờ sự thông thương đó, đời sống của hơn 1.200 hộ dân, chủ yếu là dân tộc thiểu số Xê Đăng của xã đã dần được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng lên gần 30 triệu đồng/người/năm. Đến nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới," ông Nguyễn Ngọc Xuân cho biết thêm.

Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, lưới điện cho khu vực đầu tư, các công trình thủy điện còn mang về khoản thu ngân sách lớn cho tỉnh Kon Tum. Theo ông Lê Như Nhất, mỗi năm, các công trình thủy điện đã đóng góp từ 1.200-1.300 tỷ đồng, chiếm 40-45% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh.

"Các dự án thủy điện khi đi vào hoạt động đã tạo ra nguồn thu ngân sách tương đối lớn cho huyện Kon Plông. Trong đó, khoản thu hàng năm từ các dự án thủy điện đạt 250 tỷ đồng, ngân sách huyện Kon Plông được hưởng là 160 tỷ đồng. Nhờ nguồn thu này, huyện đã có thêm nguồn tài chính để thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng, thay đổi bộ mặt địa phương, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân," ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông khẳng định./.

Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)