Phát triển đất nước là để dân thụ hưởng

Chính phủ chủ trương thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dân số, công tác người cao tuổi, thanh niên, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; tạo môi trường sống an toàn...

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 8/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Thành quả của tăng trưởng là phải đến tất cả mọi người dân một cách hài hòa, công bằng, bình đẳng, khuyến khích phát triển.

Mục đích của việc giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 17/10/1945, Người nêu rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.”

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (tháng 1 và tháng 2/2021) cũng đã bổ sung cụm từ “dân thụ hưởng” vào phương châm hành động vốn dĩ đã rất quen thuộc là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” để trở thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.”

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2025 chỉ rõ rằng bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thì Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới các mục tiêu phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Chính phủ nêu ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025, trong đó nhiệm vụ thứ sáu là phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội; đầu tư, phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xã hội.

Chính phủ chủ trương thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dân số, công tác người cao tuổi, thanh niên, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; phấn đấu năm 2025 hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội; tập trung mọi nguồn lực để đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát.

Dự kiến đến năm 2025 cả nước bổ sung thêm 428.000 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong năm 2025 Việt Nam phấn đấu đạt 4.900 USD về tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người (mức của năm 2024 là 4.700 USD).

Theo các chuyên gia kinh tế, GDP bình quân đầu người là một trong những chỉ số quan trọng nhất trong việc đo lường sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Việc tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ năm 1990 đến năm 2024 đã chứng minh rõ ràng về sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước (năm 1990 nước ta chỉ ở mức 121,72 USD). Mục tiêu hướng tới 7.500 USD về GDP bình quân đầu người trong năm 2030 cho thấy, Chính phủ Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế bền vững cùng với cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trợ cấp cho gần 4 triệu người trong cả nước, trong đó có 1,394 triệu người cao tuổi, 1,667 triệu người khuyết tật, 16.000 trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, 150.000 trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi, 80.000 người đang hưởng chế độ đơn thân. Kinh phí ngân sách nhà nước chi cho việc thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội là khoảng 2.250 tỷ đồng/tháng.

Giảm nghèo nhanh và bền vững cũng là một chỉ số quan trọng để minh chứng cho việc Chính phủ nước ta luôn theo đuổi chính sách theo hướng “nước mạnh để dân giàu.”

Vào năm 1993, hộ nghèo ở nước ta chiếm tới 58,1%, đến năm 2015 chỉ số này là 9,88%, đến năm 2023 số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 2,93% và xuống khoảng 1,9% vào năm 2024.

Năm 2025, Việt Nam phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ (năm 2021) theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất.

Bằng nhiều hình thức hỗ trợ đối với người nghèo, trong nhiều năm qua trên cả nước đã có hơn 1,7 triệu ngôi nhà mới được hoàn thành, đáp ứng tiêu chuẩn "3 cứng": nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng, tuổi thọ căn nhà là từ 20 năm trở lên. Mục tiêu của chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm từ tháng 10/2024 đến cuối năm 2025 là hỗ trợ nhà ở cho người có công gặp khó khăn về nhà ở (khoảng 200.000 căn) bằng nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (hơn 153.000 căn).

Một điểm nhấn của chính sách an sinh xã hội nhân văn mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến đầu năm 2025, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt được nhiều kết quả tích cực: Có 25/52 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; 5/52 tỉnh, thành phố đạt mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; 6/52 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%; 36/52 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%...

Tính chung trong cả nước, năm 2017 Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ chi cho giáo dục trên tổng ngân sách của Việt Nam ngang bằng hoặc vượt nhiều quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn. Mức đầu tư cho giáo dục ở nước ta hằng năm đạt khoảng 17-19% tổng ngân sách, một tỷ lệ không hề thấp so với Mỹ (13%), Indonesia (17,5%), Singapore (19,9%)...

Tính theo tỷ lệ GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9%. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tính theo tỷ lệ GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9%. Tỷ lệ chi cho giáo dục trên tổng ngân sách của Việt Nam tiếp tục tăng trong tương lai vì Luật Giáo dục 2019 quy định, ngân sách nhà nước cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo. Năm 2024, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo là gần 381.000 tỷ đồng.

Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của người dân, trong năm 2024 Bộ Y tế đã đạt và vượt toàn bộ 3/3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 14; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1%. Liên tục từ năm 2019 đến 2022, tuổi thọ trung bình của người Việt dao động từ 73,6-73,7 tuổi. Năm 2023, tuổi thọ của phụ nữ Việt tăng lên con số 77,2, còn tuổi thọ của nam giới tăng lên 72,1 năm.

Văn phòng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từng đánh giá: Việt Nam thuộc nhóm đầu trong ba nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các mục tiêu toàn cầu ở châu Á.

Phát biểu về cuộc chiến chống đói nghèo vào tháng 11/2024 tại Rio de Janeiro (Brazil) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Việt Nam về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; là hình mẫu thành công trong hàn gắn, khôi phục lại vết thương chiến tranh; xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam muốn chia sẻ các bài học kinh nghiệm quý: không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lấy con người làm trung tâm, chủ thể; ưu tiên đầu tư cho con người./.