Phát triển cây thanh long: Chưa thể hiện "buôn có bạn, bán có phường"
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, muốn cây thanh long phát triển, người trồng phải có một tổ chức, tất cả đều phải rèn luyện, thực hiện tư duy "buôn có bạn, bán có phường," từ bỏ thói quen mạnh ai nấy làm.
Cây thanh long vốn không còn xa lạ với người dân các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận. Không những vậy, hiện nay cây thanh long còn được nhân rộng ở một số địa phương khu vực phía Bắc.
Để cây thanh long phát triển hiệu quả như sự mong đợi của người trồng, những người trồng thanh long phải có chung một hội đoàn, một nguồn thông tin về thị trường, cũng như sự đồng lòng phát triển cao của một hệ thống sản xuất, chế biến và xuất khẩu thanh long.
Bài 1: Chưa thể hiện rõ "buôn có bạn, bán có phường"
Thời gian qua, người sản xuất thanh long gặp nhiều khó khăn do thị trường Trung Quốc tạm hoãn nhập khẩu thanh long. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người dân trồng thanh long tại Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, Tầm Vu, tỉnh Long An muốn phá bỏ vườn thanh long, chuyển sang sản xuất loại cây trồng khác.
Tuy nhiên, bằng sự kiên trì thuyết phục, tìm đầu ra cho các vườn thanh long của chính quyền địa phương, người trồng thanh long đã giữ được vườn cây, đồng thời cũng dần hiểu rõ sản xuất và tiêu thụ luôn phải có sự gắn kết đồng lòng với nhau.
Chưa tư duy tập thể trong kinh doanh thanh long
Thị trường dễ dãi, giá thu mua cao, đầu tư một vốn lãi gấp đôi là thực tế từng diễn ra với thị trường thanh long những năm trước đây. Thanh long Việt Nam từng được thương lái Trung Quốc tranh giành mua với giá 50.000-60.000 đồng/kg. Với mức lợi nhuận lớn, người người, nhà nhà đua nhau trồng thanh long. Điều này khiến cho diện tích trồng thanh long tại Tiền Giang, Long An, Bình Thuận tăng vọt.
[Bình Thuận bàn giải pháp tiêu thụ hơn 130.000 tấn thanh long]
Theo quy hoạch, vùng trồng thanh long của Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 là 30.000ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có hơn 33.750ha, vượt gần 4.000ha so với quy hoạch. Còn tại Tiền Giang, thanh long được quy hoạch đến năm 2025 với khoảng 9.000ha, nhưng đến nay diện tích trồng vượt quy hoạch hơn 700ha. Tại tỉnh Long An, diện tích trồng thanh long đã hơn 11.600ha, vượt định hướng phát triển đến năm 2030 hơn 3.000ha. Với sự mở rộng diện tích trồng thanh long nhưng lại thiếu thông tin về nhu cầu của thị trường, đã khiến cho cây thanh long từ xóa đói giảm nghèo, lại trở thành cây khiến người trồng muốn chặt bỏ.
Nhìn nhận về phương thức sản xuất thanh long của người dân tỉnh Tiền Giang, Long An và Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ thị trường tiêu thụ thanh long ngày càng khó tính, kể cả Trung Quốc cũng đang tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm hóa 100% đối với mặt hàng nông sản; trong đó có thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong khi đó, khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam có dấu hiệu thụt lùi. Để nâng cao chất lượng sản phẩm rất cần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, nông dân trồng thanh long phải biết tư duy kinh doanh thanh long tập thể, chính quyền địa phương đưa họ vào hội đoàn để tránh được các bẫy tăng giá của thị trường rồi ồ ạt sản xuất, không nắm bắt được thị trường sẽ dễ rơi vào cảnh chịu thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, hiện nay rất nhiều nông dân tự mở rộng sản xuất thanh long, tự định giá và tìm thương lái, không có một hội nhóm thảo luận về thị trường và giá cả thanh long. Chính điều này là lỗ hổng để thương lái ép giá khi thị trường tiêu thụ bị ách tắc. Người sản xuất thanh long lại không nắm rõ nguyên nhân, nên quay sang đổ lỗi cho thương lái. Nếu người trồng thanh long muốn có một cơ chế sản xuất và tiêu thụ ổn định, cần có một tổ chức, tập thể nắm bắt thông tin thị trường, rồi mới quay ngược lại điều phối sản xuất.
"Giải" lời nguyền được mùa, mất giá
Thanh long có thời điểm lên 30.000 đồng/kg, khiến nhiều nhà vườn thu được lợi nhuận cao, nhưng cũng có thời điểm bán được 4.000 đồng/kg, thậm chí 2.000 đồng/kg, người trồng khó thu hồi vốn đầu tư như chi phí xông đèn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dù hiện nay, hầu như tất cả các nhà vườn đều áp dụng phương thức sản xuất tiết kiệm chi phí, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt.
Nông sản Việt Nam nói chung, cây thanh long nói riêng đều rơi vào "lời nguyền được mùa mất giá," bởi việc sản xuất thiếu sự tìm hiểu, chạy theo thị trường mà không cân nhắc kỹ lưỡng khi mở rộng sản xuất. Những vườn thanh long được đầu tư lâu năm còn có thế chống chọi được cơn bão xuống giá, được mùa, nhưng với những vườn mới trồng thì đây là khó khăn do phải xoay vòng vốn, lãi suất, thu hồi vốn mới đầu tư.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tại các vùng trồng thanh long đã hình thành nên các hợp tác xã. Vai trò của hợp tác xã thanh long không chỉ quy tụ người có đất tham gia sản xuất mà còn định hướng xã viên sản xuất như thế nào, sản xuất sản lượng ra sao cho phù hợp, kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội ra sao… Song hiện nay việc liên kết giữa hợp tác xã với bà con nông dân rất khó khăn do đa số hợp tác xã đều vận hành theo kiểu "mạnh ai nấy làm, thân ai nấy lo."
Để có thể khiến người trồng thanh long quy tụ về một mối, cùng nhau chia sẻ, nắm bắt thông tin, tìm hiểu thị trường, họ phải biết lắng nghe, chia sẻ thông tin vườn nhà, cũng như thu thập thông tin do thành viên khác cung cấp. Vì hiện nay, sản xuất và cung ứng thanh long cho thị trường chủ yếu đến từ các hộ nông dân, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào vùng nguyên liệu còn thấp, nên việc cầm trịch để cây thanh long thuận lợi vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh muốn cây thanh long phát triển, người trồng thanh long phải vào một tổ chức, tất cả đều phải rèn luyện và thực hiện tư duy "buôn có bạn, bán có phường," từ bỏ thói quen mạnh ai nấy làm mới không tạo sơ hở cho thương lái, thị trường khó mà ép giá.
Bên cạnh đó, hiện nay các địa phương cũng quy hoạch lại diện tích trồng thanh long, hạn chế tình trạng dân trồng tự phát ngoài vùng quy hoạch để dần giảm sản lượng. Thậm chí chủ động chuyển một số diện tích trồng thanh long sang loại cây trồng khác hiệu quả hơn. Có như vậy, người trồng thanh long mới trở nên chuyên nghiệp hơn, trái thanh long được nâng cao chất lượng, vượt qua được những biến động khắc nghiệt của thị trường./.