Phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long

Để tạo thương hiệu con tôm trên thị trường quốc tế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định cần đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị.

Ao nuôi tôm mô hình siêu thâm canh. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Năm 2023, theo dự báo, ngành tôm tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như xung đột giữa Nga và Ukraine, giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao...

Đặc biệt, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn... cũng là nguyên nhân gây nên những yếu tố bất lợi cho tôm nuôi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất.

Tuy nhiên, ngành tôm vẫn đặt mục tiêu đạt diện tích 750.000ha, với sản lượng tôm các loại gần 1,1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,3 tỷ USD.

Tăng liên kết chuỗi

Để tạo thương hiệu con tôm trên thị trường quốc tế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định cần đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị.

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, để tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên trường quốc tế, ngành tôm cần tiếp tục tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc giữa các nhà với nhau, liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất), sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Là trung tâm kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, hiện Cần Thơ tham gia vào chuỗi giá trị ngành tôm thông qua các dịch vụ sản xuất và cung ứng phục vụ ngành tôm, cung cấp con giống, vật tư như thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, các dịch vụ chế biến và xuất khẩu.

“Để khắc phục những khó khăn, thách thức và phấn đấu đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm trên 4,3 tỷ USD, chúng ta cần phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện việc liên kết 4 nhà: nhà quản lý-nhà khoa học-nhà kinh doanh-nhà nông," ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh.

Tại Bạc Liêu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lưu Hoàng Ly cho biết trên địa bàn tỉnh có 50 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang hoạt động. Việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa các hợp tác xã/tổ hợp tác, nông dân và các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với diện tích 4.982ha, sản lượng bao tiêu 38.310 tấn tôm.

Các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả, phần lớn nông dân có lợi nhuận cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình từ 2,5-3 triệu đồng/ha do được cung ứng đầy đủ giống tốt, chất lượng cao; vật tư nông nghiệp được cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp; được hướng dẫn quy trình, cách quản lý sản xuất phù hợp, tổ chức sản xuất mang tính cộng đồng, được bao tiêu hết sản phẩm và không bị thương lái ép giá.

Đối với doanh nghiệp, chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại giống, chất lượng sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

[Quản lý tôm giống quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm]

Là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển con tôm, Cà Mau luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Quân, tỉnh đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi từ cung ứng vật tư sản phẩm đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh cũng thường xuyên rà soát tình hình hoạt động liên kết để kịp thời phát hiện và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nuôi tôm để nhân rộng.

Địa phương còn tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam khẳng định nếu như xuất khẩu tôm nước lợ cả nước năm 2022 là 4,3 tỷ USD, thì Sóc Trăng chiếm khoảng 1 tỷ USD.

Kiểm tra, phòng chống dịch bệnh trên những diện tích tôm đã thả nuôi ở Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Tuy không là thủ phủ ngành tôm nhưng nếu phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, trong tương lai, Sóc Trăng sẽ là một trong những tỉnh trọng điểm xuất khẩu tôm của cả nước.

Do đó, Sóc Trăng chú trọng thúc đẩy liên kết giữa Nhà nước-nhà nông-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-các tổ chức tín dụng-nhà mạng-nhà bán lẻ, nhà phân phối trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ.

Tỉnh xác định sản lượng từng đối tượng nuôi cụ thể, từ đó sẽ hỗ trợ liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các chuỗi siêu thị liên kết thu mua nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi cho người dân, đồng thời xây dựng, phát triển đa dạng sản phẩm sau thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm tôm nuôi nhằm tham gia xuất khẩu ở nhiều nước trên thế giới.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phân Thủy sản Sóc Trăng Trần Văn Phẩm khẳng định liên kết chuỗi là cách thức tốt nhất để tiếp cận thị trường. Liên kết tạo sự tương tác thông tin từ đó đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro khi thị trường biến động.

Vai trò của nhà nhập khẩu trong chuỗi cũng được đề cập và khẳng định là tác nhân quan trọng giúp cho chuỗi giá trị tôm liên kết bền vững hơn.

Phát triển thị trường tiêu thụ

Để phát triển thị trường tiêu thụ ngành tôm, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm.

Cụ thể, Bộ tăng cường nghiên cứu thông tin, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về thị trường trong nước và trên thế giới, về thị hiếu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm, dung lượng thị trường, mức độ cạnh tranh với các nước cùng sản xuất và xuất khẩu tôm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, thúc đẩy đàm phán để xúc tiến thương mại, củng cố các thị trường xuất khẩu tôm truyền thống, phối hợp tháo gỡ kịp thời các rào cản để tăng xuất khẩu các sản phẩm tôm của Việt Nam vào các thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới; chú trọng phát triển xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm hoạt động thu mua tôm của thương nhân tại các địa phương và vận chuyển qua đường tiểu ngạch.

Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Mặt khác, xây dựng và phát triển các trung tâm giao dịch (sàn giao dịch, chợ bán đấu giá) và các trung tâm ứng dụng công nghệ cao để giới thiệu, cung ứng vật tư (bao gồm cả tài chính, công nghệ) và tiêu thụ sản phẩm tôm nhằm minh bạch hóa thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tiếp thị trực tiếp đến các hệ thống phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng.

Ông Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng các chứng nhận quốc tế có uy tín như Natuland, GlobalGAP, ASC, BAP... để nhanh chóng tiếp cận thị trường và đáp ứng các yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm tôm Việt Nam và hướng tới phát triển bền vững.

Trong bối cảnh ngành tôm vẫn còn nhiều khó khăn, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Đình Hòe cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu phải xem lại xu hướng thị trường để thay đổi cơ cấu sản phẩm; thiết lập các vùng nuôi riêng để chủ động nguồn tôm và giá cả. Doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm và xuất khẩu sản phẩm mang tính chất đặc thù của Việt Nam như tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh, sinh thái...

Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Quân, tỉnh triển khai các giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển xuất khẩu; hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp về mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Cà Mau cũng đã tận dụng lợi thế Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Ngoài thị trường EU có lợi thế về hiệp định, tôm Cà Mau còn có lợi thế từ nhiều thị trường tiềm năng và truyền thống khác như Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra, Canada, Australia là thị trường tiềm năm cho mặt hàng tôm Cà Mau trong thời gian tới. Một số thị trường khác vẫn giữ đà tăng trưởng tốt như Anh, Hàn Quốc...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng tôm xuất khẩu đạt 90.000 tấn, chiếm trên 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của tỉnh; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm 5,2% và đạt 970 triệu USD.

Tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, xác định nhu cầu nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu, không thụ động trông chờ và chỉ dựa vào bất cứ một thị trường xuất khẩu nào.

Toàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Argentina, Nga, New Zealand, Indonesia, Chile... với công suất thiết kế 209.700 tấn/năm./.

Bài 1: Nguyên nhân khiến nghề nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó

Nhật Bình (TTXVN/Vietnam+)