Phạt tiền, tạm thời chưa thu giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu vi phạm

Với 5 doanh nghiệp xăng dầu vi phạm, trước mắt cơ quan chức năng sẽ phạt hành chính về tiền, còn hình thức tước giấy phép sẽ áp dụng trong thời điểm phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin tại phiên họp báo Chính phủ tối 6/9. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị xử phạt cũng như nên giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) là nội dung chính được đại diện cơ quan chức năng thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 6/9.

Tước giấy phép vào thời điểm phù hợp

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngày 31/8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu, tổng số tiền phạt hơn 13 tỷ đồng.

Bên cạnh hình thức phạt hành chính, có thêm 5 quyết định xử phạt áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong thời hạn một tháng với 5 thương nhân, gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Công ty Trách nhiệm hữu hạn xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết lỗi của các doanh nghiệp trên chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối hiện hành.

"Khi 5 doanh nghiệp này bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ bị tước nhiều quyền lợi như: Không được xuất nhập khẩu, không được mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán cho tư nhân khác…,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

[Tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu của 5 doanh nghiệp xăng dầu]

Ông Hải cũng nhấn mạnh quan điểm của Bộ Công Thương đối với hành vi vi phạm trên là cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, về phía cơ quan chức năng vẫn phải lưu ý đến khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và đảm bảo nguồn cung trong nước.

Vì vậy, chiều 6/9, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp và báo cáo để thực hiện việc xử lý 5 doanh nghiệp trên theo hướng trước mắt sẽ phạt hành chính về tiền, còn hình thức tước giấy phép sẽ áp dụng trong thời điểm phù hợp. Việc này cũng được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ hôm nay.

"Chúng tôi đang xử lý, cố gắng tìm biện pháp tốt nhất trong thời điểm hiện nay," ông Hải nói và nhấn mạnh quan điểm xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc-Trung-Nam.

Nhiệm vụ của 3 đoàn công tác là giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng, giảm thời gian bán hàng sai quy định.

Ngoài ra, các đoàn công tác còn thể hiện trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vai trò cơ quan quản lý của nhà nước nhằm giám sát không chỉ doanh nghiệp mà giám sát các sở công thương, cục quản lý thị trường các địa phương trong việc giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu để bảo đảm không xảy ra biến động lớn và không tạo hiệu ứng xã hội phức tạp.

Vì sao giá dầu đắt hơn xăng?

Cũng liên quan tới mặt hàng xăng dầu, sau kỳ điều hành hôm 5/9, lần đầu tiên giá dầu trong nước cao hơn giá xăng. Giải thích về sự biến động trên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nguyên nhân từ đầu năm đến nay do xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung khí đốt cho châu Âu và Mỹ giảm, nên nhu cầu đối với dầu diesel và dầu hỏa tăng (để thay thế khí đốt).

Các yếu tố này dẫn đến giá các sản phẩm dầu tăng khá cao, tương đương hoặc cao hơn giá xăng. Hơn nữa, những tháng gần đây để chuẩn bị cho mùa Đông, giá dầu thế giới đã tăng khá mạnh, cao hơn nhiều so với giá xăng. Theo đó, bình quân giá xăng ở mức khoảng 105 USD/thùng, trong khi giá dầu ở mức 143 USD/thùng.

Những thay đổi trên đã tác động tới thị trường trong nước, mà theo lý giải của đại diện Bộ Công Thương, do cơ cấu giá xăng và dầu, các mức chi phí, thuế kinh doanh định mức rất khác nhau.

Cụ thể, thuế nhập khẩu dầu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0-0,72%, trong khi thuế nhập khẩu xăng là 9,7%; thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0%, xăng là 8-10%. Do đó bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay cao hơn giá dầu.

“Từ kỳ điều hành 5/9, do giá xăng dầu thế giới chênh lệch lớn, giá dầu cao hơn giá xăng đến 30-35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước đã lần đầu tiên cao hơn giá xăng,” ông Đỗ Thắng Hải nói.

Về phía Nhà nước, ông Hải cho hay giá xăng dầu theo kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Ngoài sử dụng các công cụ điều hành như Quỹ bình ổn giá xăng dầu để có mức hợp lý, tăng thấp hơn đà tăng thế giới, còn có những biện pháp khác hỗ trợ các đối tượng bị tác động.

Đại diện Bộ Công Thương cũng giải thích về tác dụng của quỹ bình ổn xăng dầu khi cần để trích và chi nhằm tránh những biến động quá mạnh.

"Quỹ bình ổn là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách nhà nước và toàn bộ trích lập tham gia việc bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không có cơ chế tài chính riêng," ông Hải nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định quỹ bình ổn giá (BOG) là công cụ để chống cho giá xăng dầu tăng sốc hoặc giảm quá mạnh.

“Bộ Tài chính đang nghiên cứu những phương án khác nhau để phối hợp với cơ quan chức năng điều hòa giá xăng trong nước và đảm bảo nguồn cung, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân,” ông Chi khẳng định./.

Nhóm PV (Vietnam+)