Phát lộ kết cấu đặc biệt của Đàn tế giao thời Tây Sơn tại núi Bân

Sau quá trình khai quật giai đoạn 2, các nhà khoa học phát hiện Đàn tế giao tại Di tích núi Bân có đế hình bát giác, là điểm khác biệt, độc đáo so với với các loại hình đàn tế giao trên thế giới.

Vết tích xuất hiện trong quá trình khai quật tại Di tích núi Bân. (Ảnh: TTXVN phát)

Di tích núi Bân (thuộc phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) được xem là Đàn tế giao của vương triều Tây Sơn, nơi người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ làm lễ cáo Trời Đất, chính danh lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung vào năm 1788.

Đây cũng là nơi xuất phát của cuộc hành quân thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược, làm nên chiến công hiển hách của Người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ vào đầu Xuân Kỷ Dậu (1789).

Di tích này trước đó đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Cấp Quốc gia vào năm 1988 và được đánh giá là di tích lịch sử có quy mô, kết cấu đặc biệt, lần đầu được phát hiện ở Việt Nam.

Với mục tiêu hướng đến xác định quy mô, kết cấu di tích phục vụ cho công tác bảo tồn và có căn cứ đề xuất công nhận trở thành Di tích Quốc gia Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiến hành cuộc khai quật di tích núi Bân.

Sau quá trình khai quật giai đoạn 2, các nhà khoa học đã công bố nhiều thông tin, tư liệu về quy mô, kết cấu của Di tích Đàn tế giao thời Tây Sơn ở núi Bân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chất - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đoàn khai quật đã xác định rõ hơn quy mô, kết cấu nguyên gốc của Đàn tế giao thời Tây Sơn ở Núi Bân.

Trên cơ sở các vết tích được phát hiện ở lần khai quật giai đoạn 1 vào tháng 7/2022, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế đã mở rộng diện tích khai quật Di tích núi Bân giai đoạn 2 với hơn 200m2 để làm rõ hơn quy mô, kết cấu phần chân của đàn tế núi Bân.

Đoàn khảo cổ đã tiến hành đào 7 hố ở các hướng Nam, Tây, Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam của Di tích; mở thêm 2 hố ở tầng 3 chạy qua trung tâm đàn tế.

Kết quả, xuất lộ thêm nhiều dấu tích về quy mô, kết cấu nguyên gốc của Đàn tế giao thời Tây Sơn.

Các nhà khảo cổ phát hiện núi Bân được cải tạo, bồi đắp tạo thành ba tầng đàn theo thuyết Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân) như truyền thuyết trong các di tích đàn tế trời của các nước Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Về cơ bản, đàn Nam Giao thời Tây Sơn có 3 tầng hình nón cụt xếp chồng lên nhau. Ngoài những cạnh đàn là vách núi đá tự nhiên, nhiều vị trí được xây xếp, bổ sung bằng gạch, đá, tạo thành mặt bằng hình bát giác với mỗi cạnh dài từ 32-33m.

Ở phần chân đế đàn, đa số đều được xắn thẳng, tạo thành các cạnh đế, những vị trí bị lõm hụt được xếp bó đá hoặc gạch vỡ tận dụng để tạo thành bó móng vòng quanh chân đế.

Hiện trường khai quật. (Ảnh: TTXVN phát)

Điều này khác với nhận định ban đầu của đợt khảo cổ giai đoạn 1 năm 2022 cho rằng chân đế đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở núi Bân có hình vuông.

Các nhà khoa học cho rằng Đàn tế giao thời Tây Sơn ở núi Bân có kỹ thuật xây dựng đơn giản, lợi dụng địa thế núi đá tự nhiên, được ban xẻ, bồi đắp tạo thành quy mô, kết cấu đặc biệt.

Điều này phản ánh rõ tính chất gấp gáp trong việc xây dựng đàn tế để tổ chức lễ đăng quang Hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

Tuy nhiên, những nhà thiết kế đương thời vẫn có ý thức quy hoạch, đem đến sự hài hòa, cân đối và đảm bảo thuyết Tam Tài với 3 tầng đàn hình tròn phía trên ở núi Bân.

[Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh]

Riêng với đế đàn hình bát giác có sự khác biệt, độc đáo, chưa từng gặp đối với các loại hình đàn tế giao trên thế giới.

Ngoài ra, đoàn khai quật đã phát hiện được dấu tích của hệ thống bậc cấp lên xuống ở phía Tây Bắc của Đàn tế giao thời Tây Sơn ở núi Bân.

Điều này cho thấy, hướng chính của di tích là hướng Tây Bắc, phù hợp yếu tố phong thủy, liên quan trực tiếp đến cung mệnh và tuổi của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

Vết tích móng kè trong quá trình khai quật. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngoài ra, qua những dấu tích bó móng, kè đá và gạch xuất lộ, đặc biệt là gạch tìm thấy trong các hố đào, các nhà khảo cổ đã xác định được tính chất, niên đại của hiện vật trong khung thế kỷ 18.

Gạch ở đây có kích thước và màu sắc tương đồng với các loại gạch bó móng kiến trúc tìm thấy tại các đền, phủ thời chúa Nguyễn và các công trình kiến trúc xây dựng giai đoạn đầu triều nhà Nguyễn tại Huế.

Từ những thông tin, tư liệu quý giá thu được sau quá trình khai quật, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế sẽ xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận Di tích núi Bân và những phần liên quan trở thành Di tích Quốc gia Đặc biệt.

Sở cũng tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh tiến hành tôn tạo, quy hoạch chi tiết khu vực này, xây dựng đền thờ tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung và các danh tướng, danh thần của triều đại này nhằm hình thành trung tâm văn hóa lớn ở phía Tây thành phố Huế gắn với hoạt động du lịch để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Năm 2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đầu tư tôn tạo, xây dựng khu tưởng niệm với điểm nhấn là tượng đài Quang Trung và không gian cảnh quan tạo thành một công viên văn hóa./.

(Vietnam+)