Phát huy vai trò truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực giới
Theo Phó Đại sứ Australia, người làm truyền thông cần thận trọng và nhạy cảm với vấn đề để có thể đưa tin đúng, đầy đủ, chính xác, bảo đảm quyền của người bị bạo lực và trách nhiệm của thủ phạm.
“Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới vì truyền thông định hướng và dẫn dắt suy nghĩ cũng như các cuộc bàn luận về các vấn đề này trong cộng đồng.”
Thông tin trên được ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh tại sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) tại Việt Nam phối hợp cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 17/11.
Theo Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall, tin tức được đưa ra có thể cung cấp thông tin đầy đủ về các trường hợp bạo lực tạo nên sự thương cảm của toàn xã hội nhưng cũng có thể đầy định kiến và mang tính đổ lỗi cho người bị bạo lực.
“Do đó, người làm truyền thông cần thận trọng và nhạy cảm với vấn đề để có thể đưa tin đúng, đầy đủ, chính xác, bảo đảm quyền của người bị bạo lực và trách nhiệm của thủ phạm,” ông Mark Tattersall chia sẻ.
Từ thực tiễn tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, nhà báo Lý Thu Hiền, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo hành nhưng ngại tiếp xúc vì sợ dư luận, hàng xóm, nhiều người biết. Vẫn còn phụ nữ bị bạo hành chưa biết đến các hội đoàn thể hỗ trợ phụ nữ, nhà tạm lánh, luật sư hỗ trợ pháp lý hoặc một số phụ nữ sau khi ở các nhà tạm lánh trở về gia đình rất mong chính quyền, đoàn thể quan tâm theo dõi, giám sát để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình tiếp diễn...
Để làm tốt công tác truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới, nhà báo Lý Thu Hiền cho rằng cần chọn lọc tuyên truyền trên cơ sở những câu chuyện có thực liên hệ tại địa phương; câu chuyện chia sẻ từ phía các văn phòng hỗ trợ pháp lý cho người dân; cần tìm hiểu nguyên nhân sâu sa của bạo lực của mỗi gia đình, để từ đó đề xuất những giải pháp, những địa chỉ hỗ trợ phụ nữ phù hợp phòng tránh bạo lực gia đình.
Từ thực tiễn trực tiếp làm công tác truyền thông ở cơ sở, bà Đoàn Thị Tú Linh, Phó Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh gợi mở nhiều kinh nghiệm, công tác thông tin báo chí nhanh, kịp thời.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, người làm báo, người làm công tác thông tin cần am hiểu về các chính sách, pháp luật; có kiến thức, trách nhiệm, trực tiếp nắm bắt, tiếp xúc để đưa ra các hình thức, giải pháp phù hợp để không chỉ bảo vệ được người bị bạo hành mà còn kết nối, làm sâu sắc hơn, tỏa hơn những thông tin tích cực thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới.
Bà Phạm Thị Vân Anh, Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, về gìn giữ hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con tốt, về lối sống văn hóa, văn minh; lên án, đấu tranh với tình trạng bạo lực gia đình, vi phạm quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em thông qua tờ báo.
Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cam kết không ngừng đổi mới nội dung, cải tiến hình thức, đảm bản sắc riêng để mỗi câu chuyện, bài viết liên quan đến giới không chỉ được thể hiện bằng trái tim, tấm lòng thấu cảm mà còn bằng trách nhiệm, tình thương, là diễn đàn khích lệ phụ nữ tham gia đóng góp ngày càng nhiều vào đời sống xã hội, chung tay xây dựng, phát triển cộng đồng.
Bình đẳng giới hiện nay trở thành một trong những vấn đề toàn cầu và được hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm. Thực tiễn cho thấy, việc phụ nữ được bình đẳng với nam giới khi tham gia vào mọi hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời được thừa hưởng mọi thành quả của tiến bộ xã hội là biểu hiện của một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như ban hành một số chính sách, quy định để hoàn thiện hệ thống pháp luật hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới; thí điểm “Chương trình Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em,” nhiều mô hình, sáng kiến truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới, nhất là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Tuy nhiên, để thay đổi các định kiến giới và các hành vi bạo lực bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa xưa nay thì cần có chiến lược truyền thông vận động lâu dài, liên tục và sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng. Trong đó, các cơ quan truyền thông, báo chí, nhất là các nhà báo, phóng viên có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi của cả nạn nhân, người gây ra bạo lực cũng như cộng đồng xã hội.
Đánh giá cao kết quả tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới tại Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam tin tưởng các cơ quan truyền thông, báo chí, phóng viên, biên tập viên sẽ đầu tư vào việc nâng cao năng lực chuyên môn về lĩnh vực bình đẳng giới, bạo lực giới, áp dụng các chỉ số nhạy cảm giới trong việc đưa tin bài. Đồng thời, khuyến khích sản xuất ra nhiều câu chuyện có chất lượng về bình đẳng giới; bình đẳng giới trong nam giới, người khuyến tật, cộng đồng LGBT và quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực đa dạng khác nhau bao gồm cả các lĩnh vực vốn được coi là của nam giới như khoa học, công nghệ, kỹ thuật...
Sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới” là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa các cơ quan chính quyền địa phương và các đơn vị đồng hành với Chính phủ Việt Nam với sự tài trợ của Chính phủ Australia triển khai chương trình chung “Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em 2021-2025.”
Thông điệp tại sự kiện là "Mỗi cơ quan, ban ngành là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh chung về ứng phó và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Tình trạng bạo lực sẽ không thể được giải quyết nếu các mảnh ghép không được kết nối hoặc thiếu đi bất kỳ mảnh ghép nào"./.