Phát huy trí tuệ, đóng góp ý kiến để hoàn thiện Luật Đất đai
Sáng 4/3, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sáng 4/3, tại Hà Nội, Giáo sư-Tiến sỹ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tọa đàm do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, cựu giáo chức, cán bộ, đảng viên của Học viện cùng trao đổi, thảo luận, phát huy trí tuệ trong việc đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kết nối trực tuyến với 5 Học viện trực thuộc…
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh lại 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một là cần bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; nghị quyết, kết luận của Đảng; nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao." Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ.
[Cần có chính sách để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp]
Thứ hai là kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng. Luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thành luật đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Tuy nhiên phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng "cài cắm" lợi ích nhóm; cần chỉ rõ vướng mắc, “lỗ hổng” để giải quyết, tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này lại sinh ra lỗ hổng khác.
Thứ ba là phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; cân nhắc kỹ, không đưa vào luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể.
Thứ tư là quá trình sửa đổi luật cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, khách quan, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; tiếp thu, giải trình đầy đủ, cầu thị; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.
Gợi mở những vấn đề để các nhà khoa học, các diễn giả, đại biểu tham gia tọa đàm tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới nhóm nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là vấn đề minh định rõ giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý Nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể, trong 3 cấp chính quyền địa phương, cấp xã là cấp sát với dân nhất, nhưng cả Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp xã đều chưa được đề cập trong dự thảo luật; vai trò của từng cấp chính quyền địa phương cũng chưa đủ rõ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn. Đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất. Hiện có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Do vậy, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.
Nhóm vấn đề thứ hai là thể chế hóa đầy đủ, khoa học, khả thi các quy định của số 18-NQ/TW liên quan tới các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất. Đây là nội dung rất quan trọng và cũng rất khó của dự thảo luật đất đai. Thời gian qua cũng có nhiều vi phạm pháp luật trong xác định giá đất, làm thất thoát ngân sách, mất cán bộ.
Nhóm vấn đề thứ ba là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nhà khoa học, diễn giả, đại biểu thảo luận làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai với Luật Quy hoạch; làm rõ hơn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tính chất, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh; về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi luật này có hiệu lực thi hành.
Nhóm vấn đề thứ tư là về các quy hoạch về thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đát để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất./.