Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững
Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế.
Ngày 3/7, Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” đã khai mạc tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Sự kiện do Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo tổ chức UNESCO, lãnh đạo Ủy ban Quốc gia UNESCO của một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, địa phương có danh hiệu UNESCO, cùng 200 đại biểu là các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế.
Hội nghị vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình khẳng định Ninh Bình là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu danh hiệu “kép” của UNESCO: Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của di sản thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Việc tổ chức hội nghị quốc tế là vinh dự và là dịp để tỉnh Ninh Bình giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa, tự nhiên và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô.
[UNESCO ghi danh Di sản Phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm]
Đây cũng là cơ hội để Ninh Bình và các tỉnh có di sản thế giới nói riêng, các đối tác toàn cầu nói chung đẩy mạnh trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn chung về thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình mong muốn hội nghị chia sẻ những kinh nghiệm và tầm nhìn về kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh; cơ chế đặc thù giải phóng và huy động các nguồn lực cho bảo tồn và phát triển di sản; các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị, phù hợp chức năng đô thị di sản sở hữu danh hiệu của UNESCO, tránh được áp lực của mô hình “đô thị nén” gây xung đột với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; sáng tạo nên mô hình cư trú và sinh kế chuyển đổi phù hợp cho cư dân trong các đô thị di sản hướng vào giải quyết tốt cả mục tiêu bảo tồn và mục tiêu phát triển; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản mà UNESCO đã vinh danh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, ở một số địa phương sở hữu danh hiệu vẫn đang trăn trở trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề xuất hội nghị cần tập trung làm rõ các bài học kinh nghiệm, chia sẻ của các địa phương về các câu chuyện thành công trong việc phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vữnhg; các thách thức hiện hữu mà nhiều địa phương đang phải đối mặt trong việc bảo tồn và phát huy các danh hiệu UNESCO.
Cùng với đó, cần nêu bật các bài học điển hình quý giá, các giải pháp sáng tạo để phục vụ phát triển bền vững của địa phương và kể cả các bài học sai phạm, đôi khi rất đắt giá, sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho các địa phương đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng các hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh hoặc cả các địa phương mong muốn sở hữu thêm các danh hiệu UNESCO.
Ông Edouard Firmin Matoko, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO, phụ trách khu vực châu Phi và quan hệ đối ngoại của UNESCO đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO. Việt Nam cũng là hình mẫu trong việc bảo vệ di sản văn hóa, đứng đầu trong các nước thúc đẩy xây dựng cộng đồng, phát triển kinh tế, phát triển bền vững dựa vào di sản.
UNESCO cũng rất tự hào về các danh hiệu di sản đã đóng góp cho sự phát triển tại Việt Nam. Ông Edouard Firmin Matoko hy vọng các địa phương của Việt Nam sẽ phát huy các danh hiệu di sản vì mục đích chung và chia sẻ các kinh nghiệm quý báu trong bảo tồn và phát huy các di sản đó.
Phát huy các di sản được UNESCO ghi danh
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định Việt Nam đã xác định phát triển bền vững trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Trong suốt 47 năm kể từ khi chính thức là thành viên của UNESCO, người Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động, hợp tác với các đối tác, nhất là với UNESCO.
Quan hệ Việt Nam-UNESCO là hình mẫu tốt về hợp tác hiệu quả, Việt Nam-UNESCO là những người bạn cùng chí hướng, chung tầm nhìn và đều rất kiên trì, bền bỉ trong thực hiện các cam kết.
Với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, đến nay Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Công tác xây dựng hệ thống văn bản pháp luật ngày càng được hoàn thiện, việc triển khai các quy hoạch, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ kinh phí bảo vệ và phát huy giá trị cho các di sản luôn được quan tâm.
Bộ máy, nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, kiện toàn; các nguồn lực để bảo vệ di sản văn hóa được ưu tiên, huy động tối đa.
Các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương cùng tham gia bảo vệ di sản văn hóa cũng như chia sẻ những lợi ích đem lại từ di sản, tạo ra sự gắn kết xã hội bền vững.
Thực tế cho thấy, các di sản văn hóa sau khi được UNESCO công nhận, ghi danh đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Theo thống kê, trước thời điểm dịch COVID-19, năm 2019, các di sản thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến thăm quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa ngày 24/11/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đang tập trung thực hiện mục tiêu toàn cầu về tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận, gắn với phát triển du lịch bền vững cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Việc tổ chức Hội nghị quốc tế “Về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” thể hiện sự đồng hành một cách tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh vì sự phát triển bền vững theo quan điểm của UNESCO, đó là đảm bảo sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai.
Hội nghị tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề trọng tâm gồm: Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Hội nghị diễn ra trong các ngày 3 và 4/7. Sau các phiên chuyên đề, các đại biểu sẽ tham quan thực địa tại địa phương tại khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và trao đổi với cộng đồng cư dân địa phương./.