Phát biểu của Tổng Bí thư: Cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Phó giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về bài phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự Đại hội Đảng.
Bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, với chủ đề: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng” đã nhận được sự đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có đội ngũ văn nghệ sỹ.
Phóng viên TTXVN có cuộc trò chuyện, phỏng vấn Phó giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về vấn đề này.
- Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo với chủ đề: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng.” Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của bài phát biểu đối với công tác nhân sự cho Đại hội Đảng XIV sắp tới?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân: Tôi cho rằng, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư về vấn đề nhân sự có ý nghĩa rất sâu xa. Đó không chỉ là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong cả một quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIV này, mà còn là tư tưởng chỉ đạo về công tác cán bộ trong suốt cả nhiệm kỳ Đại hội và trong nhiều nhiệm kỳ sắp tới. Đây sẽ là bước quan trọng nhất để đảm bảo cho công tác cán bộ thành công.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã nói rất cụ thể, chi tiết và đặt ra những vấn đề vô cùng căn cốt, cơ bản cho công tác nhân sự. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cũng như của Tổng Bí thư về công tác nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, từ cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt cho đến hệ thống cán bộ quan trọng trong Đảng của chúng ta.
Ngoài những vấn đề quan trọng, căn cốt, giới văn nghệ sỹ còn nhận thấy, trong bài phát biểu có sự trăn trở, sự chú trọng của Tổng Bí thư trong công tác cán bộ với tư cách là Trưởng Tiểu ban Nhân sự.
- Khẳng định công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu cụ thể về yêu cầu đặt ra, tiêu chuẩn của cán bộ, đặc biệt là chỉ rõ những khuyết điểm không được mắc phải đối với cán bộ… ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân: Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã chỉ ra những điều mà cán bộ nên tránh, là những khuyết điểm mà trong thực tế, trước đây và bây giờ đã có nhiều cán bộ, đảng viên mắc phải. Đó là vấn đề về phẩm chất con người, là “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” và sự suy thoái của một bộ phận cán bộ trong quá trình công tác.
Người cán bộ, đảng viên đã không thực hiện đúng quy định của Đảng, để cho những thói hư, tật xấu và tư tưởng cá nhân chủ nghĩa có điều kiện phát triển.
Tôi cho rằng, khi giới thiệu nhân sự vào những vị trí chủ chốt, chúng ta phải tìm hiểu kỹ để biết được cán bộ đó trong môi trường nào trưởng thành lên, quá trình công tác có thẳng thắn, trung thực hay không, trình độ chuyên môn, bằng cấp như thế nào… Tất cả đều cần minh bạch, công khai, dân chủ… có như vậy, thì mới tìm được người vừa hồng, vừa chuyên, đặc biệt là những người nhiệt huyết, có khát khao cống hiến cho Đảng, cho đất nước. Đây cũng là một trong những tư tưởng mà Tổng Bí thư đã nêu rất rõ, đó là cán bộ đó phải có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
- Ông tâm đắc nhất với nội dung nào trong bài phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân: Một trong những ý rất hay và quan trọng trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, đó là chúng ta cần có những người có chuyên môn giỏi. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng. Chuyên môn giỏi ở đâu cũng cần và Đảng cũng rất cần, bởi chính những người có chuyên môn giỏi sẽ góp phần làm phong phú thêm, làm mạnh thêm và làm cho tư tưởng của Đảng được triển khai một cách thông suốt, lan rộng đến các tầng lớp, đến các đối tượng khác nhau trong xã hội.
Những người chuyên môn giỏi khi tham gia đội ngũ cán bộ của Đảng sẽ rất có lợi, bởi chính họ sẽ trở thành những người tư vấn, trở thành chuyên gia và có những ý kiến phản biện của xã hội một cách sâu sắc.
Có một thực tế là, hiện nay vẫn còn có tình trạng chưa thật hợp lý giữa số lượng và chất lượng của những Đảng viên tham gia vào hệ thống quy hoạch nhân sự của lãnh đạo của Đảng. Chúng ta vẫn thấy có hiện tượng nhiều cán bộ làm công tác quản lý là những Đảng viên có thể là Bí thư chi bộ, có thể là Bí thư Đảng đoàn tham gia ban cán sự, nhưng trình độ chuyên môn trong mảng họ phụ trách là không cao, điều này dẫn đến tình trạng không phát huy được năng lực và tiếng nói cũng kém giá trị, thiếu sức nặng.
Một trong những điều mà văn nghệ sỹ chúng tôi trăn trở và mong muốn, là làm sao để có những cán bộ xứng đáng, am hiểu sâu sắc về văn hóa đứng trong đội ngũ lãnh đạo của Đảng. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm được việc đó, thì công cuộc chấn hưng và phát triển văn hóa của đất nước, đi liền với chấn hưng và phát triển con người Việt Nam mới đạt được những kết quả và bước tiến quan trọng.
- Trong nội dung phát biểu về cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, Tổng Bí thư có đề cập đến việc cần chú ý bảo đảm tỷ lệ hợp lý đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; một số nhà khoa học, văn nghệ sỹ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Ban Chấp hành Trung ương… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân: Đảng và Nhà nước ta đã xác định, văn nghệ sỹ là thành phần, là lực lượng tinh tế, đặc biệt, có đóng góp quan trọng vào hệ thống xây dựng Đảng và sự phát triển của đất nước. Thực tế cho thấy, văn nghệ sỹ khi đã trưởng thành về mặt tư tưởng, chính trị, nhận thức đúng đắn về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sẽ sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật thấm đẫm tinh thần của Đảng và có giá trị tư tưởng cao, có ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Trong chỉ đạo về cơ cấu nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc lựa chọn nhân sự cần chú ý bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các thành phần tham gia Ban Chấp hành Trung ương, gồm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số, doanh nhân, nhà khoa học, văn nghệ sỹ... Điều này cho thấy, Tổng Bí thư luôn quan tâm đến mọi thành phần có khả năng tham gia vào công tác Đảng.
Tôi cho rằng, để có được đội ngũ cán bộ Đảng có trình độ thuộc nhiều thành phần, việc phát hiện, bồi dưỡng và rèn luyện từ sớm, từ khi còn trẻ là rất quan trọng, đặc biệt là đối với văn nghệ sỹ.
Nhìn lại đội ngũ văn nghệ sỹ hiện nay, có thế thấy một thực trạng là những người trong độ tuổi quy hoạch để tham gia công tác Đảng thì chưa có ảnh hưởng xã hội... Còn những đảng viên lâu năm, có vị trí trong hệ thống của Đảng như Bí thư một hội quần chúng, hay một hội văn học nghệ thuật thì thường quá tuổi, không còn nằm trong diện quy hoạch nữa.
Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần chú trọng đến công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về công tác Đảng từ sớm cho đội ngũ cán bộ nói chung, cho văn nghệ sỹ nói riêng. Nếu được tiếp cận, đào tạo bồi dưỡng từ sớm, chúng ta sẽ có được những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, những cán bộ vừa có đức, vừa có tài vào vị trí lãnh đạo của Đảng.
- Trân trọng cảm ơn ông!