Pháp trì hoãn kế hoạch khởi động lại nhà máy điện hạt nhân

Pháp lùi thời điểm hoạt động trở lại một số nhà máy điện hạt nhân sẽ làm chậm chễ nguồn cung 5,2 gigawatt (GW) điện, trong khi châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng.

(Nguồn: Bloomberg)

Nhiều nhà máy điện hạt nhân do Tập đoàn năng lượng Électricité de France (EDF) của Pháp vận hành đã lùi thời điểm hoạt động trở lại cho đến ít nhất giữa tháng 11 tới, nhằm tiến hành công tác bảo trì.

Quyết định này làm chậm chễ nguồn cung 5,2 gigawatt (GW) điện, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng nhất trong lịch sử.

Theo kế hoạch, lò phản ứng 1,3 GW Penly 1 (Tây Bắc nước Pháp) sẽ dừng hoạt động vào ngày 2/10 tới và sẽ tiếp tục không hoạt động tới 23/1/2023, muộn hơn khoảng 1 tháng so với lịch nối lại hoạt động trước đó là ngày 25/12. Vấn đề ăn mòn tại lò phản ứng này đã được phát hiện từ tháng 1 năm nay, liên quan đường ống mạch phun an toàn và mạch làm mát.

Một số lò phản ứng 1,3 GW tại trung tâm điện hạt nhân Cattenom ở Đông Bắc nước Pháp cũng thông báo lịch khởi động lại muộn hơn so với dự kiến. Lò phản ứng Cattenom 3 đã phải trì hoãn lịch khởi động lại đến ngày 11/12 tới, muộn hơn so với dự kiến trước đó là ngày 8/10.

[Đức bác bỏ việc kéo dài "tuổi thọ" của các nhà máy điện hạt nhân]

Trong khi đó, lò phản ứng Cattenom 1 cũng sẽ khởi động lại muộn hơn gần 2 tháng, đến ngày 1/11 so với dự kiến ban đầu là 14/9. Lò phản ứng Cattenom 4 phải lùi lịch khởi động muộn hơn 1 tháng, từ ngày 10/10 sang 14/11. Cả hai lò phản ứng này đều được xác định có nguy cơ dễ gặp phải tình trạng ăn mòn.

Các vấn đề về ăn mòn đường ống ở một số lò phản ứng, cùng với lịch bảo trì kéo dài, đã khiến số lượng nhà máy hạt nhân ở Pháp đang vận hành trong năm 2022 giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Pháp từng là quốc gia xuất khẩu điện cho châu Âu, song gần đây đã phải phụ thuộc vào nhập khẩu điện từ các quốc gia láng giềng.

Giá điện tại châu Âu trong những tháng vừa qua đã tăng cao kỷ lục do thiếu hụt nguồn cung từ các nhà máy điện hạt nhân, cũng như nhiều yếu tố khác.

Trong bối cảnh các quốc gia khác ở châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới do lo ngại tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhu cầu về điện càng làm gia tăng áp lực đối với nguồn cung khí đốt ở các nước vốn đang tìm cách dự trữ loại năng lượng này trước thềm mùa Đông tới./.

Lê Đạt (TTXVN/Vietnam+)