Pháp phản đối kế hoạch cắt giảm lượng khí đốt của EC

Các quan chức thuộc Bộ Năng lượng Pháp cho biết nước này phản đối việc Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt mức giảm đồng bộ 15% lượng tiêu thụ khí đốt đối với mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU)

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các quan chức thuộc Bộ Năng lượng Pháp cho biết nước này phản đối việc Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt mức giảm đồng bộ 15% lượng tiêu thụ khí đốt đối với mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Phản ứng trên của các quan chức Pháp được đưa ra trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU tại Brussels (Bỉ), dự kiến diễn ra trong ngày 26/7. Giới chức Pháp cho rằng các mục tiêu về khí đốt trong tương lai của EU cần đặc biệt lưu ý tới năng lực xuất khẩu của mỗi quốc gia.

Trước đó, ngày 20/7, EC đã đề xuất tất cả các nước thành viên EU cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Theo kế hoạch, mục tiêu này ban đầu sẽ là tự nguyện, nhưng sẽ trở thành quy định bắt buộc EC ban bố tình trạng khẩn cấp về khí đốt.

Đề xuất của EC đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều trong các nước thành viên EU. Trước Pháp, các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp cũng đã công khai phản đối đề xuất của EU.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao cho rằng Đan Mạch, Ireland, Italy, Malta, Hà Lan và Ba Lan sẽ tán thành đề xuất của EC.

[Nga: Tuabin khí sẽ được lắp đặt trở lại dự án Dòng chảy phương Bắc 1]

Trong khi đó, theo một đề xuất do CH Séc-quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU - đưa ra, những nước không liên kết với mạng lưới khí đốt của EU sẽ được miễn trừ quy định trên. Trong số này, bao gồm các quốc đảo như Ireland và Malta.

Trong khi đó, những nước có lượng lưu trữ lớn về khí đốt có thể sẽ được nới lỏng phần nào về mức cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ, cũng như được phép xuất khẩu khí đốt sang các nước khác.

Trong số này có Tây Ban Nha - quốc gia không phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Các lĩnh vực quan trọng như hóa chất và thép có thể cũng sẽ được miễn trừ.

Đề xuất của Séc đặt chính phủ các quốc gia EU, chứ không phải EC, chịu trách nhiệm đưa ra mục tiêu ràng buộc và chỉ có thể thực hiện mục tiêu này với sự hỗ trợ lớn từ các thành viên khác trong khối./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)