Pháp có thể cung cấp khí đốt cho Đức trong mùa Đông nếu cần

Đức, nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung kể từ giữa tháng 6 và đang chuẩn bị cho các kịch bản.

Trạm bơm khí của Hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, ngày 27/7, các quan chức Bộ năng lượng Pháp cho biết Paris có thể cung cấp cho Đức 20 terawatt giờ khí đốt, tương đương 2% lượng tiêu thụ của Đức, trong những tháng mùa Đông nếu cần trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Mối quan hệ bất ổn giữa châu Âu và Moskva kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã cho thấy sự phụ thuộc của khối này vào khí đốt Nga và làm dấy lên cuộc tìm kiếm ráo riết các nguồn năng lượng thay thế.

Đức, nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung kể từ giữa tháng 6 và đang chuẩn bị cho tất cả các kịch bản, bao gồm cả việc ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga.

Theo thông tin của nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống này đã khôi phục vào sáng ngày 21/7 sau khi hoàn thành bảo trì đường ống.

Các nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt OPAL và NEL của Đức cho hay tại điểm tiếp nhận ở Greifswald, Đức, dòng khí được ghi nhận vào lúc 7h giờ Moskva ngày 21/7.

[GfK: Niềm tin của người tiêu dùng Đức xuống mức thấp chưa từng có]

Nhà điều hành dự án - Công ty Nord Stream AG, cũng xác nhận khôi phục cung cấp khí đốt qua đường ống, mặc dù khối lượng có giảm, chỉ ở mức 30% so với mức tối đa.

Theo một cuộc khảo sát do tổ chức Civey thực hiện cho báo Spiegel, gần 2/3 số người Đức được hỏi lo ngại các hộ gia đình sẽ không có đủ khí đốt trong mùa Đông lạnh giá tới.

Kết quả khảo sát cho thấy có 63% số ý kiến được hỏi bày tỏ rất lo ngại hoặc khá lo ngại về nguồn cung khí đốt cho các hộ gia đình trong mùa Đông tới, trong khi 26% có ý kiến ngược lại.

Đặc biệt, theo khảo sát, số phụ nữ lo ngại nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa Đông nhiều hơn so với nam giới với tỷ lệ tương ứng là 67% và 58%.

Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck đã kêu gọi tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh hiện nay, đồng thời cảnh báo về khả năng thiếu khí đốt vào mùa Đông, song theo ông Habeck, trong trường hợp như vậy, trái với các ngành công nghiệp, người tiêu dùng tư nhân và các cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn cần được bảo vệ đặc biệt./.

(Vietnam+)