Phản ứng của Mỹ sau quyết định của OPEC+ về đợt cắt giảm sản lượng
Sau quyết định gây sốc của một loạt quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) về đợt cắt giảm sản lượng mới ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày.
Sau quyết định gây sốc của một loạt quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) về đợt cắt giảm sản lượng mới ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày, thị trường năng lượng thế giới đối mặt với rủi ro lạm phát mới.
Phản ứng trước quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ hôm 2/4, Nhà Trắng cho biết quyết định của OPEC+ là không nên làm trong điều kiện thị trường hiện tại. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cho biết Mỹ sẽ làm việc với các nhà sản xuất và người tiêu dùng với trọng tâm là giá xăng dầu cho người Mỹ.
Mặc dù OPEC+ đảm bảo trước đó rằng tổ chức này sẽ giữ ổn định nguồn cung và không đặt ra rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng đây là một mức giảm đáng kể đối với thị trường khi nguồn cung khan hiếm vào cuối năm.
[Giá dầu châu Á tăng mạnh sau thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+]
Chưa có giao dịch tương lai khi quyết định cắt giảm được công bố vào ngày 2/4, nhưng phản ứng tăng giá là không tránh khỏi và có thể gây thêm áp lực lạm phát trên toàn thế giới, buộc các ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Saudi Arabia dẫn đầu nhóm bằng cách cam kết giảm nguồn cung 500.000 thùng/ngày. Các thành viên bao gồm Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Algeria đã làm theo, trong khi Nga cho biết việc cắt giảm sản lượng mà họ đang thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6 sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2023./.