Phân cấp mạnh để thúc đẩy tiến độ triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ về việc cần có cơ chế đặc thù và phân cấp mạnh để thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Mạnh dạn phân cấp mạnh trong các cơ chế đặc thù để thực hiện được các chương trình mục tiêu quốc gia là nhận định chung của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều nay, 16/1, khi thảo luận về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Cụ thể, theo tờ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, có hai phương án.
Phương án 1: Chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2026-2030. Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2024-2025, chọn thí điểm một địa phương một huyện.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về 1 số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Đại biểu khẳng định việc mạnh dạn phân cấp, thậm chí phân cấp đến cấp huyện là rất trúng và cho biết đồng tình với phương án 2. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị không nên quy định chọn một huyện để thí điểm vì khi thí điểm phải có đại diện của cả khu vực nông thôn, thành thị để khi tổng kết có tính bao quát.
Về thời gian thực hiện Nghị quyết, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng nên quy định đến năm 2025 vì đây là thời gian kết thúc hai dự án mục tiêu quốc gia quan trọng là giảm nghèo và nông thôn mới. Vì vậy, sau khi kết thúc năm 2025 có thể tổng kết thực hiện cơ chế thí điểm và báo cáo vào kỳ họp đầu tiên của năm 2026.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cũng đánh giá các quy định theo hướng tăng cường phân cấp, trao quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu từng chương trình theo yêu cầu của Quốc hội…
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhận định việc phân cấp triệt để cho cấp huyện tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2. Theo đại biểu, với phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh.
Cũng bày tỏ sự đồng tình với phương án 2, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề xuất thời gian thí điểm là hết năm 2025 để làm cơ sở cho xây dựng nghị quyết của giai đoạn 2026-2030.
Đại biểu Dương Khắc Mai nêu thực tế hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã bước sang năm thứ 4 nhưng còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, đại biểu tiếp tục đề nghị cơ quan có liên quan sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ, khẳng định việc cấp thiết có cơ chế đặc thù để thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn một số nội dung. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định: “Cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới” để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ ngân sách. Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị cần làm rõ điều kiện về “Trường hợp thật cần thiết” để thống nhất tại các địa phương.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến, gấp rút hoàn thiện ngay để các đại biểu Quốc hội xem xét thông qua trong phiên làm việc sáng ngày 18/1 tới./.