Phái đoàn Kenya tới Haiti hỗ trợ ứng phó tình trạng bạo lực gia tăng
Phái đoàn Kenya đã đến Haiti trong bối cảnh bạo lực gia tăng, khi nhóm vũ trang Grand Ravine tìm cách kiểm soát khu vực Carrefour Feuilles ở ngoại ô Port-au-Prince khiến hơn 5.000 người phải sơ tán.
Một phái đoàn Kenya đã đến Haiti ngày 20/8 để phân tích cũng như đánh giá tình hình an ninh hiện tại ở đảo quốc Caribe này và cùng các quan chức cấp cao nước chủ nhà nghiên cứu những giải pháp đối phó với bạo lực.
Phái đoàn gồm khoảng 20 đại diện của Kenya dự kiến làm việc tại Haiti trong ba ngày.
Chuyến thăm và làm việc này diễn ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng tại Haiti khi nhóm vũ trang Grand Ravine tìm cách kiểm soát khu vực Carrefour Feuilles ở ngoại ô Thủ đô Port-au-Prince, khiến hơn 5.000 người phải sơ tán.
Các đối tượng có vũ trang cũng tấn công trạm biến áp Savane Pistache, khiến một vùng thuộc Port-au-Prince lâm vào cảnh mất điện.
Cảnh sát Haiti cam kết sẽ ngăn chặn các vụ tấn công như vậy, nhưng ban lãnh đạo cảnh sát đã nhiều lần phải thừa nhận rằng họ không có đủ nguồn lực. Hiện chỉ có khoảng 10.000 cảnh sát tại quốc gia hơn 11 triệu dân này.
[Haiti: Bạo lực băng nhóm giết chết hơn 2.400 người trong 7 tháng]
Riêng trong nửa đầu năm nay, hơn 30 cảnh sát bị sát hại; khoảng 400 người bị ảnh hưởng sức khỏe và không thể tiếp tục công việc sau các vụ tấn công của các đối tượng tội phạm.
Tháng Bảy vừa qua, Kenya đã đồng ý đảm nhận vai trò lãnh đạo lực lượng đa quốc gia chống các băng nhóm tội phạm, đồng thời cử 1.000 cảnh sát giúp đào tạo và hỗ trợ các đồng nghiệp Haiti lập lại tình hình an ninh trật tự trong nước và bảo vệ các cơ sở chiến lược.
Tuy nhiên, đề xuất này cần được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, dù lực lượng vũ trang quốc tế này không nằm dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Sau thông báo của Kenya, Mỹ - quốc gia đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cam kết sẽ huy động các nguồn lực và trong tương lai gần sẽ cùng Ecuador trình bày một nghị quyết ủy quyền cho Hội đồng này.
Haiti đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng an ninh, chính trị, nhân đạo vượt quá khả năng ứng phó của chính phủ và lực lượng an ninh. Vụ ám sát Tổng thống nước này Jovenel Moise hồi năm 2021 đã khiến tình hình an ninh trở nên trầm trọng hơn, với việc các băng nhóm tội phạm ngày càng lộng hành.
Hiện các băng nhóm kiểm soát khoảng 80% Thủ đô Port-au-Prince, trong khi các vụ bắt cóc, cướp bóc, sát hại dân thường... đã trở thành mối đe dọa hằng ngày./.