“Phải có biện pháp xử lý mạnh với những người cố tình chây ỳ trả nợ"
Ông Hùng khuyến cáo người dân phải hết sức thận trọng khi tiếp cận với kênh cho vay qua app vì phương pháp tính lãi tinh vi nên rất khó nhận biết được mức lãi suất thực mình phải trả là bao nhiêu.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề các công ty tài chính tiêu dùng bị nhiều hội nhóm “bùng” nợ phổ biến trong thời gian qua, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng cần phải có chế tài đủ mạnh như đưa thông tin người cố tình “chây ỳ” trả nợ lên các dữ liệu tại cơ quan chức năng để các công ty khác cũng nắm bắt được. Thông qua đó để họ hiểu rằng dù vay ít hay nhiều nhưng khi vay phải có trách nhiệm trả nợ.
- Xin ông đánh giá về tình hình cho vay của các công ty cho vay tiêu dùng trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Có thể nói trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng.
Thực tế, thời gian qua, 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã cố gắng huy động nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thu nhập thấp, dưới chuẩn tín dụng tiếp cận được vốn phục vụ nhu cầu đời sống và giải quyết khó khăn cá nhân nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen, song đến nay hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen lợi dụng thực tế này chây ỳ không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ và thành lập hội bùng nợ lên tới hàng trăm nghìn người trên zalo, facebook… nhưng không hề bị xử lý nên các công ty tài chính tiêu dùng rất lo ngại.
[Khách hàng rủ nhau “bùng” nợ: Công ty tài chính tiêu dùng liêu xiêu]
Cán bộ công ty đi thu hồi nợ, nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền các cấp gây khó khăn trong việc thu hồi nợ. Cán bộ các công ty tài chính tiêu dùng gần như không tiếp cận được người vay. Thời gian qua, nhiều cán bộ do lo sợ bị vu khống, khủng bố xin nghỉ việc. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao.
Hiện nay, nợ xấu bình quân của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã lên đến 8%-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Đây là hiện tượng đáng báo động, rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống công ty tài chính tiêu dùng và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Vì người dân thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng…
Minh chứng là hiện nay, dư nợ 16 công ty tài chính tiêu dùng trên còn hơn 135.000 tỷ đồng, giảm khoảng 15.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Có thể thấy công ty tài chính tiêu dùng hoang mang lo sợ không dám mở rộng cho vay nữa. Bên cạnh đó điều tôi lo sợ, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp sẽ là mảnh đất màu mỡ để tổ chức tín dụng đen phát triển. Và khi người dân có nhu cầu vốn giải quyết việc cấp bách không còn con đường nào khác phải tiếp cận tín dụng đen. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
- Vậy theo ông, cần có những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện cho các công ty tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, bền vững?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Có nhiều giải pháp để tháo gỡ nhưng hiện tại chưa có giải pháp nào hữu hiệu để xử lý ổ nhóm tội phạm kêu gọi bùng nợ, không trả nợ trên zalo, facebook, nền tảng xã hội...
Vấn đề này, theo tôi cần kiến nghị với cơ quan chức năng đặc biệt là Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an cùng Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các công ty tài chính tiêu dùng triệt phá ổ nhóm này xử lý một cách thích đáng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần khuyến cáo để người dân hiểu rằng tất cả các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều đã lưu trữ dữ liệu tại các cơ quan chức năng. Nên tất cả những người vay vốn tiêu dùng tại các công ty này đều được tích hợp dữ liệu cá nhân. Như vậy, khi trích xuất dữ liệu cá nhân từng người dân đi giao dịch liên quan đến công việc, xin việc làm, xác định nhân thân đều thể hiện đó là những người có nợ xấu.
Không chỉ điểm tín dụng thấp, mà còn có thể ảnh hưởng đến chính công việc, sinh hoạt hàng ngày của họ chẳng hạn như xin việc làm sẽ gặp khó khăn… Thông qua đó để họ hiểu rằng dù vay ít hay nhiều nhưng khi vay phải có trách nhiệm trả nợ.
- Đối với người dân, ông có lời khuyên ra sao để tránh rơi vào bẫy tín dụng đen?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Người dân khi có nhu cầu vay vốn cần xem xét kỹ thông tin của công ty mình định vay. Thông tin của các công ty cho vay tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép công khai trên website Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và chính công ty tài chính tiêu dùng.
Còn đối với vay qua app người dân cần phải hết sức thận trọng khi tiếp cận kênh này vì phương pháp tính lãi rất tinh vi người dân rất khó nhận biết được mức lãi suất thực mình phải trả là bao nhiêu. Nên nhiều người khi phải trả nợ mới biết lãi lên tới hơn 1.000%, tạo gánh nặng tài chính rất lớn cho chính họ. Vì vậy, người dân cần phải hết sức tỉnh táo nếu không nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác rất dễ sập bẫy, trở thành nạn nhân tín dụng đen.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!