PCI 2022: Cú hích giúp các địa phương hành động tích cực hơn

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Giám đốc dự án PCI hy vọng kết quả PCI 2022 sẽ là cú hích giúp chính quyền các địa phương thay đổi góc nhìn và hành động tích cực hơn.

Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, ngày 11/4. (Ảnh: Tuấn Anh/Vietnam+)

Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI 2022) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới.

Điều này phản ánh tình hình kém lạc quan, thậm chí là đáng lo ngại trong bối cảnh có tới 60.200 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong quý 1/2023.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Giám đốc dự án PCI, VCCI kết quả xếp hạng PCI công bố trong năm nay về cơ bản không thay đổi nhiều so với PCI 2021. Điểm trung vị bình quân tiếp tục được cải thiện thể hiện đà cải cách ở các địa phương vẫn đang được duy trì. Mặc dù tốc độ thay đổi cũng có phần chững lại nhưng tình hình cải cách ở nhiều tỉnh và thành phố vẫn được ghi nhận là có sự thay đổi tích cực, thể hiện định hướng thay đổi rất đều.

Điểm nổi bật trong báo cáo PCI 2022 là chi phí không chính thức vẫn đang tiếp tục giảm kể từ năm 2016 trở lại đây. Thực tiễn khảo sát các doanh nghiệp đều ghi nhận điều này bao gồm cả việc chi trả chi phí không chính thức đến quy mô của các khoản chi phí không chính thức cũng đang trên đà giảm mạnh so với nhiều năm trước.

Tuy nhiên, nhìn chung thì điều tra PCI 2022 đang cho thấy bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế đang rất là khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ sẽ có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh cũng giảm kỷ lục so với nhiều năm. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh báo cáo có lãi cũng đạt mức thấp nhất kể từ khi VCCI thực hiện điều tra PCI. Điều này thể hiện sự ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu đến nền kinh tế trong nước và tới cộng đồng doanh nghiệp là rất mạnh mẽ.

Do đó, trong bối cảnh này, VCCI cũng kỳ vọng rất nhiều vào vai trò tổ chức và điều hành của chính quyền các tỉnh, thành phố; trong đó sự năng động, hỗ trợ, sự đồng hành tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp cần hết sức được coi trọng.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, Quốc hội đã được ban hành rất nhiều nhưng cái chính là chất lượng thực thi của các tỉnh và thành phố. Bản thân báo cáo PCI 2022 cũng nói lên tiếng lòng, sự mong đợi từ chính cộng đồng doanh nghiệp.

Lúc này, tinh thần đồng hành hỗ trợ của chính quyền các địa phương đang và sẽ mang lại những hiệu ứng rất lớn, có thể tạo thêm động lực thúc đẩy để gia tăng niềm tin giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn.

[Infographics] PCI trong 10 năm của 10 địa phương đứng đầu năm 2022

Theo ông Đậu Anh Tuấn, chủ đề chính của báo cáo PCI 2022 là "Hy vọng." Hy vọng sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố. Hy vọng vào quá trình chuyển đổi ở Việt Nam từ nay sẽ bước sang giai đoạn phát triển một cách bền vững và xanh. Chủ đề ấy cũng đã gửi gắm những thông điệp quan trọng từ tất cả những thành viên, tổ chức tham gia dự án PCI.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, năm 2022 là năm đầu tiên kinh tế của Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19. Một năm vô vàn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những cải cách của chính quyền các địa phương vẫn được tích cực duy trì và bằng chứng là điểm trung vị của chỉ số PCI 2022 so với năm trước đó không hề thay đổi nhiều, thậm chí là tăng nhẹ.

Sau rất nhiều năm tiến hành cải cách thủ tục hành chính, xu hướng này vẫn được giữ vững và các chi phí không chính thức đang không ngừng giảm, chứng tỏ hiệu ứng tích cực của chính sách điều hành kinh tế ở phần lớn các địa phương.

Ông Tuấn hy vọng kết quả PCI 2022 vừa công bố sẽ mang lại những hiệu ứng, những chuyển động hay cú hích giúp chính quyền các địa phương thay đổi góc nhìn và hành động tích cực hơn.

Quang cảnh buổi lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cũng theo ông Tuấn, các địa phương cần thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, chẳng hạn thay vì thanh tra, kiểm tra quá nhiều thì chúng ta thanh tra định kỳ; thay vì kiểm tra quá nhiều thì nay chúng ta giảm bớt hoặc hay vì thủ tục hành chính thực hiện nhiều tuần thì nay chỉ nên thực hiện trong vòng vài ngày; thay vì sử dụng quy trình tốn kém để đáp ứng nhu cầu thì chúng ta giảm thiểu...

Chỉ cần làm tốt những việc đó thôi đã có thể giúp cho doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, giúp họ có thể tồn tại được trong giai đoạn rất nhiều khó khăn như hiện nay, ông Tuấn nói.

Một thông điệp rất quan trọng trong PCI 2022 là hãy: "Lấy doanh nghiệp làm trung tâm và hãy đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ họ, để tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp tiến xa hơn," ông Tuấn nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)