OPEC không có kế hoạch áp lệnh cấm giao dịch dầu mỏ với Israel
Dù Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian kêu gọi các nước thành viên OIC áp lệnh cấm giao dịch dầu mỏ với Israel nhưng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không có hành động khẩn cấp nào.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện không có kế hoạch tổ chức cuộc họp bất thường hay có hành động khẩn cấp nào sau khi Ngoại trưởng Iran kêu gọi các thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) áp lệnh cấm giao dịch dầu mỏ và các biện pháp trừng phạt khác với Israel.
Trong một phát biểu ngày 18/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian kêu gọi các nước thành viên OIC áp lệnh cấm dầu mỏ và các biện pháp trừng phạt khác cũng như trục xuất tất cả các đại sứ Israel.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn 4 nguồn tin từ OPEC cho biết không có hành động hay cuộc họp khẩn cấp nào được tổ chức sau những lời kêu gọi của Iran, một thành viên tổ chức này.
Trước đó, ngày 17/10, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh Jasem al-Budaiwi nêu rõ tổ chức này cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và không nên dùng dầu mỏ như "một thứ vũ khí."
Năm 1973, các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc thế giới Arab, dẫn đầu là Saudi Arabia, đã áp lệnh cấm dầu mỏ với các nước phương Tây ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh với Ai Cập như Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Anh và Mỹ.
[Infographics] Nguy cơ Israel-Palestine rơi vào vòng xoáy bạo lực mới
Khi đó, giá dầu mỏ tăng nhưng cũng dẫn tới việc phát triển những địa điểm sản xuất dầu mỏ khác bên ngoài Trung Đông như Biển Bắc và khuyến khích các loại năng lượng thay thế khác.
Ở thời điểm đó, các nước phương Tây là khách hàng chính mua dầu mỏ của các nước Arab nhưng hiện nay, dầu mở của OPEC chủ yếu do các nước châu Á nhập khẩu.
Lý giải về nguyên nhân vì sao sẽ không có lệnh cấm dầu mỏ với Israel, một nguồn tin của OPEC cho rằng môi trường địa chính trị hiện nay đã khác so với 50 năm trước.
Theo kế hoạch, OIC sẽ tổ chức hợp khẩn tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, thảo luận về cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas sau khi một bệnh viện trên dải Gaza bị trúng rocket khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Phong trào Hồi giáo Hamas, kiểm soát Dải Gaza, cáo buộc Israel gây ra vụ việc nhưng phía Israel phủ nhận và cho rằng lực lượng Hồi giáo Jihad đã bắn nhầm mục tiêu./.