OPEC+ gặp trở ngại khi cắt giảm sản lượng với các thành viên
Cuối tháng 11 vừa qua, OPEC+ đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho đến hết quý 1/2024 để hỗ trợ giá dầu.
Việc Angola tuyên bố sẽ rời khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho thấy bất đồng nội bộ trong bối cảnh tổ chức này đang tìm cách cắt giảm sản lượng khai thác nhằm kiềm chế đà giảm của giá dầu mỏ trên thị trường toàn cầu.
Sau thông báo của Angola, giá dầu đã sụt giảm, trong khi thị trường chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 21/12.
Không chỉ Angola, cả Nigeria cũng không đồng tình với hạn ngạch khai thác của nước này mà OPEC và các đối tác (OPEC+) đưa ra tại hội nghị cấp bộ trưởng hồi tháng 11 vừa qua.
Cuộc họp này đã bị trì hoãn trong vài ngày do bất đồng của các nước về việc tuân thủ các mức cắt giảm sản lượng hiện nay và các mức cắt giảm bổ sung có thể.
Bên cạnh đó, OPEC+ đã không thể nhất trí về việc cắt giảm sản lượng khai thác đối với toàn bộ 23 thành viên của nhóm.
Cuối tháng 11 vừa qua, OPEC+ đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 1/2024 để hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, giá dầu liên tục lao dốc trong những tuần gần đây, trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh sản lượng khai thác dầu. Trong khi đó, những kêu gọi về chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch đang đặt ra nhiều thách thức và sức ép đối với ban lãnh đạo OPEC.
Theo đánh giá của nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya của Swissquote - tập đoàn ngân hàng của Thụy Sĩ chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính và giao dịch trực tuyến, những cuộc thảo luận gần đây nhất cho thấy sự rạn nứt trong nội bộ nhóm.
Sau khi Angola tuyên bố sẽ rời OPEC, giá dầu thô trên thị trường thế giới chứng kiến phiên đi xuống ngày 21/12. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 0,39%, chốt phiên ở mức 79,39 USD/ thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,44%, chốt phiên ở mức 73,89 USD/ thùng.
Trước đó, giá dầu tăng lên trong thời gian ngắn do quan ngại về nguy cơ gián đoạn hoạt động thương mại và vận tải biển sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu ghi nhận những diễn biến trái chiều vào ngày 21/12. Thị trường chứng khoán Phố Wall của Mỹ chứng kiến sức bật tăng mạnh, cho thấy sự hồi phục sau phiên giao dịch ngày 20/12 vừa qua với đà sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng Chín vừa qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,87% lên 37.404,35 điểm. Cùng đà này, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng lần lượt 1,03% và 1,26% lên 4.746,75 điểm và 14.963,87 điểm.
Ngoài thông tin liên quan đến Angola, giới chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư tại Mỹ cũng phản ứng tích cực trước dữ liệu công bố ngày 21/12 về tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 3 năm nay.
Ông Peter Tuz, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản Chase Investment Counsel cho rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 3 không tăng như dự đoán ban đầu củng cố niềm tin của giới đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay chủ chốt trong khoảng từ 5,25% đến 5,5% thêm một thời gian nữa.
Trong khi đó, số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố cùng ngày cho thấy thị trường lao động tiếp tục vững chắc và là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế, giúp cho nền kinh tế Mỹ không bị suy thoái vào năm tới.
Trái ngược với thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm. Khép phiên ngày 21/12, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,3% xuống 7.694,73 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,2% xuống 7.571,40 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt cũng giảm 0,3% xuống 16.687,42 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,2% xuống 4.524,86 điểm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,6%, xuống 33.140,47 điểm khi chốt phiên ngày 21/12. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) chứng kiến phiên giao dịch đi ngang, chốt phiên tại 16.621,13 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tăng 0,6%, lên 2.918,71 điểm./.