OPEC+ dự kiến tiếp tục “mở van” dầu bất chấp giá giao dịch ở mức thấp

Các nhà phân tích dự kiến "V8" sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng Bảy tới - mức tương tự như tháng Năm và tháng Sáu, trong khi kế hoạch ban đầu chỉ kêu gọi tăng 137.000 thùng.

Bất chấp việc giá dầu giao dịch ở mức thấp 60 USD/thùng, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong tuần này.

Quyết định này được cho là xuất phát từ áp lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nỗ lực của Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu nhóm, nhằm trừng phạt các đồng minh vi phạm hạn ngạch của OPEC+.

Trong những tháng qua, Saudi Arabia, Nga và sáu thành viên OPEC+ khác đã gây bất ngờ cho thị trường khi tuyên bố tăng mạnh sản lượng dầu trong tháng 5 và tháng 6/2025, bất chấp giá cả ở mức thấp.

Với tổng số 22 quốc gia thành viên, hầu hết phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ, OPEC+ từ lâu đã tận dụng tình trạng khan hiếm nguồn cung để đẩy giá lên, “giữ” hàng triệu thùng dầu trong kho dự trữ.

Tuần này, OPEC+ sẽ tổ chức hai cuộc họp, trong đó một cuộc họp trực tuyến vào ngày 28/5 với tất cả các thành viên OPEC+ để thảo luận về chiến lược chung của nhóm, và một cuộc họp vào ngày 1/6 chỉ với tám quốc gia thành viên, được gọi là "V8," những nước đã cắt giảm sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây.

Các nhà phân tích dự kiến V8 sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 7/2025, mức tương tự như tháng 5 và tháng 6/2025, trong khi kế hoạch ban đầu chỉ kêu gọi tăng 137.000 thùng.

Điều này có thể gây thêm áp lực giảm giá, vốn đã chạm mức thấp nhất kể từ thời kỳ đại dịch, giai đoạn ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu toàn cầu.

OPEC+ đã biện minh cho sự thay đổi chiến lược của mình bằng cách viện dẫn "các yếu tố lành mạnh của thị trường hiện tại, được thể hiện qua lượng dầu dự trữ thấp."

Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra hoài nghi, do những lo ngại về nhu cầu toàn cầu trước cuộc chiến thương mại mà ông Trump đã khởi xướng.

Kể từ cuối năm 2022, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng, trong đó Saudi Arabia, Nga và sáu thành viên nhóm này khác cắt giảm tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày.

Đầu năm nay, OPEC+ cho biết sẽ đưa một phần sản lượng cắt giảm trở lại thị trường. Tuy nhiên, tốc độ đã tăng đáng kể. Động thái này thực chất là đang gây áp lực lên các thành viên không tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, khiến lợi nhuận bị sụt giảm.

Các nhà phân tích của DNB Carnegie một số thành viên như Kazakhstan, Iraq và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tiếp tục sản xuất vượt xa hạn ngạch của OPEC+, vì vậy Saudi Arabia không còn lựa chọn nào khác phải mạnh tay xử lý.

Ngoài những tranh chấp nội bộ trên, OPEC+ cũng đang đối mặt với áp lực từ Tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ, với mục tiêu hạ giá dầu để chống lạm phát đang gia tăng trong nước, hồi tháng 1/2025 đã thông báo sẽ yêu cầu Saudi Arabia và các quốc gia OPEC khác "hạ chi phí dầu mỏ."./.