Ông Trump phát đi tín hiệu sẽ “mạnh tay” với các “gã khổng lồ” công nghệ

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang thể hiện rõ lập trường rằng ông sẽ không nới lỏng sự giám sát đối với các “ông lớn” công nghệ Mỹ khi trở lại Nhà Trắng.

(Tư liệu) Ông Donald Trump phát biểu tại chiến dịch vận động tranh cử ở Harrisburg, Pennsylvania, Mỹ, ngày 4/9/2024. (Ảnh: AA/TTXVN)

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang thể hiện rõ lập trường rằng ông sẽ không nới lỏng sự giám sát đối với các “ông lớn” công nghệ Mỹ khi trở lại Nhà Trắng.

Trong dấu hiệu mới nhất của việc này, mới đây ông Trump tuyên bố sẽ đề cử bà Gail Slater, trợ lý của Phó Tổng thống đắc cử JD Vance, làm người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ.

Trong một tuyên bố trên nền tảng Truth Social, ông Trump cho biết việc đề cử này nhằm giải quyết vấn đề các công ty công nghệ lớn hoạt động tự do trong nhiều năm, kìm hãm sự cạnh tranh và lợi dụng sức mạnh thị trường để hạn chế quyền lợi của nhiều người Mỹ, cũng như những công ty công nghệ nhỏ hơn.

Bà Slater từng là cố vấn chính sách công nghệ tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Trước đó, bà đã làm việc 10 năm tại Ủy ban Thương mại Liên bang, trong đó có vai trò cố vấn cho cựu ủy viên Dân chủ FTC Julie Brill dưới thời Tổng thống Barack Obama. FTC là cơ quan cùng với Bộ Tư pháp thực hiện trách nhiệm thực thi luật chống độc quyền của Mỹ.

Việc đề cử và những bình luận của Tổng thống đắc cử cho thấy chính quyền của ông có thể sẽ tiếp tục tiến hành hàng loạt cuộc điều tra và kiện tụng liên quan đến cách thức các công ty công nghệ lớn nhất, trong đó có Alphabet (công ty mẹ của Google), duy trì vị thế thống trị của mình.

Chính quyền Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu đã từng kiện Google về các vấn đề chống độc quyền, dẫn đến phán quyết của thẩm phán tòa án quận hồi tháng Tám rằng "gã khổng lồ" công nghệ này đã độc quyền bất hợp pháp thị trường công cụ tìm kiếm.

Bộ Tư pháp đã yêu cầu tòa án xem xét việc chia tách công ty này trong một giai đoạn khác của phiên tòa, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025.

Cũng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã tìm cách hủy các thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp của Meta, với phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 4/2025.

Chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu cũng đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Apple, mở đường cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden khởi kiện nhà sản xuất iPhone này hồi đầu năm nay.

Một dấu hiệu đáng lo ngại khác đối với các công ty công nghệ lớn là vào tháng trước, ông Trump đã bổ nhiệm ông Brendan Carr làm Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC). Chỉ vài ngày trước khi được bổ nhiệm, ông Carr đã gửi thư cho các giám đốc điều hành (CEO) của Google, Microsoft, Meta và Apple Tim Cook, trong đó cảnh báo khả năng hoạt động của các công ty này sẽ bị điều tra sau khi ông Trump nhậm chức.

Tuy nhiên, ông Trump đã đưa ra một số thông điệp trái chiều về mức độ mà ông muốn các công ty công nghệ chịu trách nhiệm.

Trong chiến dịch tranh cử, khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc chia tách Google để giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường công cụ tìm kiếm hay không, ông Trump cho rằng Google có thể bị trừng phạt mà không cần phải bán bớt các bộ phận của công ty.

Ông bày tỏ lo ngại rằng những hình phạt đối với Google trong việc này, đặc biệt là việc chia tách công ty, có thể có lợi cho Trung Quốc./.