Ổn định các mắt xích trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có 180 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp báo cáo có liên kết sản xuất theo chuỗi.
Liên kết sản xuất, liên kết chuỗi là chiến lược mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất áp dụng với nhiều ngành hàng nông sản, nhất là liên kết sản xuất trong ngành hàng lúa gạo.
Mối liên kết này có vai trò rất quan trọng trong phân chia lợi nhuận cho các mắt xích trong chuỗi. Từ đó, hướng ngành lúa gạo đến sản xuất ổn định và bền vững cho người dân, doanh nghiệp.
Liên kết còn lỏng lẻo
Từ hơn 10 năm trước, liên kết sản xuất lúa gạo được Chính phủ quy định chặt chẽ trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự đầu tư sản xuất lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu hoặc có hợp đồng liên kết với nông dân để có vùng nguyên liệu lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu.
Từ đó đến nay, qua gần 15 năm ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã hình thành truyền thống vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu. Thế nhưng, chỉ những doanh nghiệp, hợp tác xã xác định con đường phát triển lúa gạo lâu dài mới có chuỗi liên kết chặt chẽ trong giao thương lúa gạo.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có 180 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp báo cáo có liên kết sản xuất theo chuỗi.
Tiến sỹ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng trường Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho biết hiện nay, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên cả nước còn khá khiêm tốn. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất thấp, sẽ tiềm ẩn rủi ro, không bền vững cho tất cả các tác nhân trong chuỗi từ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Lý giải cho mối liên kết ít và lỏng lẻo trong ngành lúa gạo hiện nay, Tiến sỹ Trần Minh Hải nhìn nhận doanh nghiệp muốn liên kết với nông dân sản xuất lúa gạo thì phải đảm bảo về sấy, máy móc, cơ giới, ghe chở… khi xuống giống đồng loạt trong cùng thời điểm. Khi thu hoạch nhiều nông dân vẫn còn để lại một vài hạt lúa còn tươi, xanh sẽ dễ dẫn đến bị lên nấm, mốc gây nhiễm khuẩn cho tất cả gạo chất lượng (như nấm độc Aflatoxin).
Bên cạnh đó, nông dân yêu cầu trả tiền 100% khi giao lúa; nhiều hợp tác xã không xuất được hóa đơn cho doanh nghiệp. Hợp tác bất thành này diễn ra bởi vẫn còn nhiều nông dân canh tác manh mún, nhỏ lẻ, kém hợp tác, mạnh ai nấy làm, không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, có thể "bẻ kèo" bất cứ lúc nào nếu giá cao hơn 100-200 đồng/kg.
Còn phía doanh nghiệp, hiện có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không tham gia theo chuỗi, không nghĩ đến phát triển lâu dài bền vững… nên thời gian qua vẫn còn tình trạng "bẻ kèo," bỏ cọc khi giá lúa gạo có biến động.
Khảo sát những nông dân vừa sản xuất lúa, vừa làm thương lái thu mua lúa tại huyện Ba Tri, Bến Tre cho thấy, mắt xích trong chuỗi lúa gạo cũng muốn có lợi nhuận. Bà Nguyễn Thị Lý, sản xuất lúa tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, cho biết mỗi mùa thu hoạch, bà Nguyễn Thị Lý thu mua lúa của các hộ dân khác trữ sẵn, chờ được giá thì bán ra. Vì buôn bán là phải có lãi nên chỉ cần giá lúa biến động mạnh thì diễn ra trường hợp phía bà Lý bỏ cọc, hoặc nông dân trả cọc để bán cho người có giá cao hơn.
Hướng đến chất lượng
Mặc dù mối liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại, nhưng không có nghĩa chuỗi liên kết này không mang lại hiệu quả cao. Thực tế tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, cho thấy cả doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã và hệ thống thương lái trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vẫn hoạt động rất tốt khi có hợp đồng gắn chặt lợi ích và trách nhiệm.
Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, Giai đoạn từ năm 2021 cho đến nay, tổng diện tích thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn tỉnh An Giang chiếm khoảng 206 nghìn ha. Các doanh nghiệp chủ yếu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Angimex, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực Tấn Vương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thạnh An, Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Thạnh, Công ty cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phước Thịnh,…
Riêng Tập đoàn Lộc Trời đã hợp tác về nhân sự, kỹ sư nông nghiệp với 209 hợp tác xã nông nghiệp và 22 Liên hiệp hợp tác xã; trong đó, có 37 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã có nhân sự trực tiếp tham gia quản lý điều hành và liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp với hàng năm trên diện tích 123.000ha lúa.
Đánh giá về tính cấp thiết trong thực hiện liên kết chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, chia sẻ hiện nay ở trong nước có nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành lúa gạo rất thành công, nhưng lại thiếu thông tin chia sẻ nhằm lan tỏa, nhân rộng ra các vùng, địa phương khác,…
Do đó, để chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, Phó Viện trưởng Hoàng Vũ Quang đề xuất thời gian tới các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng diễn đàn trên nền tảng số hóa để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, xây dựng cơ sở tài liệu phục vụ việc tự nghiên cứu, học tập; chia sẻ thông tin, giới thiệu sản phẩm… Từ đó, thúc đẩy hợp tác, trao đổi thương mại, sản phẩm dịch vụ giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Là một trong những doanh nghiệp có mối liên kết chặt chẽ với nông dân, cũng là đơn vị khởi xướng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại An Giang, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Lộc Trời đã thực hiện liên kết chặt chẽ với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Đại diện Tập đoàn Lộc Trời, cho biết Tập đoàn xuất khẩu được gạo "Cơm Việt Nam Rice" trực tiếp sang thị trường châu Âu, đánh dấu cột mốc lớn trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của Lộc Trời nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, giúp gia tăng giá trị cho hạt gạo Việt lên rất nhiều.
Một trong những điều tạo nên thành công của Lộc Trời hôm nay chính là nhờ vào việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo. Hiện Lộc Trời liên kết với khoảng 200.000 nông dân xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo trên diện tích khoảng 250.000ha tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhìn nhận kết quả liên kết từ Tập đoàn Lộc Trời, Tiến sỹ Trần Minh Hải chia sẻ chỉ khi xây dựng được vùng nguyên liệu, đồng nhất cùng một giống, khi đó hợp tác xã, doanh nghiệp hoàn thiện theo chuỗi giá trị sản xuất, làm chuẩn về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm soát được phân bón đầu vào, thủ tục hồ sơ nhanh hơn, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, công nghệ nhanh hơn, giảm chi phí đầu vào. Qua liên kết, nông dân biết ứng dụng công nghệ số để ghi chép được thời gian xuống giống, thu hoạch, để chủ động được phương tiện lò sấy...
Ngoài Tập đoàn Lộc Trời, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đã có chuỗi liên kết, hợp tác bền vững với nông dân trồng lúa như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ, Long An.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ cho biết, để có được nguồn nguyên liệu kịp thời cho các đơn hàng xuất khẩu, Dương Vũ đã hợp tác liên kết với nhiều cánh đồng tại Long An, An Giang, Đồng Tháp mới đủ sức cung cấp lúa gạo cho các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc… Không chỉ liên kết thu mua, Dương Vũ luôn mua với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg, để nông dân có thêm lợi nhuận, tiếp tục duy trì trồng lúa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo mới phát triển tốt.
Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhiều lần chia sẻ hướng đi của nông sản Việt trong nhiều diễn đàn về nông sản, bài toán và hướng đi liên kết là con đường cho ngành lúa gạo nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung phát triển, bởi luật chơi trên thương trường hiện nay bắt buộc các thành phần trong chuỗi sản xuất phải kết hợp với nhau, đồng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm./.