Nước Đức có thể mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Canada
Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz và người đồng cấp Canada Justin Trudeau đã tiến hành hội đàm về hợp tác song phương, trong đó có khả năng hợp tác năng lượng giữa hai nước.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở lâu đài Elmau của Đức, Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz và người đồng cấp Canada Justin Trudeau đã tiến hành hội đàm về hợp tác song phương, trong đó có khả năng hợp tác năng lượng giữa hai nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, thông tin về hợp tác năng lượng giữa Đức và Canada được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn Gazprom của Nga thông báo giảm 60% nguồn cung năng lượng cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 do tuabin khí của nhà sản xuất Siemens Energy đang được bảo trì ở Canada và chưa thể giao trở lại vì Gazprom là đối tượng chịu các lệnh trừng phạt của Ottawa.
[Kế hoạch khẩn cấp khí đốt của Đức khiến EU lo ngại]
Chính phủ Đức thông báo sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, song đó sẽ là nhiệm vụ khó khăn do Canada muốn duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu khí của Nga.
Tại Elmau, hai nhà lãnh đạo Đức và Canada đã thảo luận về việc mở rộng quan hệ Đức-Canada trong lĩnh vực khí đốt, trong đó có khả năng xây dựng một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ biển phía Đông của Canada để sớm xuất khẩu sang châu Âu và Đức.
Thủ tướng Trudeau cho biết Canada đang xem xét mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này để giúp châu Âu "về trung hạn" từ bỏ khí đốt của Nga bằng LNG riêng.
Công ty sản xuất khí đốt lớn nhất tỉnh Quebec của Canada, Utica, hồi tháng 4/2022 tuyên bố có thể thay thế ít nhất 20% lượng khí đốt của Nga ở châu Âu.
Theo Thủ tướng Canada, hệ thống cơ sở hạ tầng mở rộng cũng có thể được dùng để xuất khẩu hydro trong tương lai và mục đích không chỉ giúp châu Âu rút ngắn giai đoạn quá độ từ việc sử dụng dầu khí của Nga mà còn nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch do tác động của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Trudeau cũng cho biết hai bên đang thảo luận về vấn đề này và sẽ tiếp tục trao đổi khi ông Scholz tới thăm Canada theo kế hoạch vào tháng 8 tới.
Trong trường hợp dòng khí đốt của Nga đến châu Âu về mức 0 với việc bảo trì hằng năm của Nord Stream 1 từ ngày 11/7 tới, một thỏa thuận LNG giữa Đức và Canada có khả năng được hình thành sớm hơn kế hoạch.
Tuy nhiên, việc xây dựng một trạm LNG mới có thể mất một thập kỷ để quy trình được thông qua, chưa kể nguy cơ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà bảo vệ môi trường.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada Jonathan Wilkinson, nếu công ty Repsol SA của Tây Ban Nha đồng ý chuyển đổi trạm nhập khẩu trên bờ biển Canada thành trạm xuất khẩu, họ có thể bắt đầu vận chuyển LNG của Canada đến châu Âu trong vòng 3 đến 4 năm tới./.