Nữ đại biểu Quốc hội Việt-Lào nâng cao vai trò phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết hội thảo là dịp quý báu để các nữ đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị trường, giao lưu văn hóa, gắn tình keo sơn giữa các nữ đại biểu Quốc hội hai nước.
Ngày 25/4, tại tỉnh Luang Prabang, Bắc Lào đã diễn ra “Hội thảo nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị," do Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Lào tổ chức.
Hội thảo không chỉ nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các nữ đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực chính trị, mà còn là minh chứng về sự gắn bó mật thiết và sự tin cậy chính trị đặc biệt giữa người dân hai nước nói chung và giữa các nữ đại biểu Quốc hội hai nước nói riêng.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, hội thảo diễn ra với sự đồng chủ trì của bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và bà Thummaly Vongphachanh, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Lào. Tham dự còn có 36 nữ đại biểu quốc hội Việt Nam và 39 nữ đại biểu Quốc hội Lào.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết hội thảo là dịp quý báu để các nữ đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị trường, giao lưu văn hóa, gắn tình keo sơn giữa các nữ đại biểu Quốc hội hai nước.
Hội thảo cũng là cơ hội để kế tục, phát huy những kết quả đạt được của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội các khóa trước đây và mở ra những hướng hợp tác mới trong tương lai.
Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh những thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm về hoạt động nghị trường mà các nữ đại biểu Quốc hội hai nước thu nhận được tại hội thảo lần này không chỉ sẽ góp chung tiếng nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới tại các diễn đàn trong nước và quốc tế, mà còn thể hiện vai trò quan trọng không thể thiếu trong các hoạt động của Quốc hội và xây dựng hình ảnh người nữ đại biểu Quốc hội năng động, sáng tạo, trách nhiệm và vì nhân dân, vì phụ nữ và trẻ em gái trước Quốc hội và cử tri hai nước...
Về phần mình, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Lào, bà Thummaly cho biết đây không chỉ là cơ hội tốt để các nữ đại biểu quốc hội hai nước giao lưu, học hỏi kinh nghiệm hoạt động nghị trường, góp phần triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Quốc hội, mà còn giúp vun đắp tình đoàn kết keo sơn gắn bó giữa hai nước, hai Quốc hội nói chung và giữa hai nhóm nữ đại biểu Quốc hội nói riêng.
Đây là hành động khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong việc duy trì và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, giúp củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe nhiều tham luận chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động về bộ máy, tổ chức, ngân sách, kế hoạch hoạt động và kinh nghiệm hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội; kinh nghiệm về tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng Nhân dân; Kinh nghiệm tham gia các hoạt động nghị viện đa phương, đặc biệt là trong việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị AIPA, WAIPA và các hội nghị quốc tế khác với tư cách nước chủ nhà; Kinh nghiệm trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật...
Trước đó, chiều 24/4, tại Luang Prabang, Đoàn Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam do bà Nguyễn Thúy Anh làm Trưởng đoàn đã có cuộc hội đàm với Đoàn Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Lào do bà Thummaly Vongphachanh làm Trưởng đoàn. Hai bên một lần nữa tái khẳng định tiếp tục cùng nhau giữ gìn, vun đắp, phát huy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh trao đổi các chuyến thăm làm việc, giao lưu giữa hai Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, các đoàn nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh của hai nước; Tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ thông qua việc tham gia, phối hợp tổ chức các diễn đàn song phương và đa phương các vấn đề hai bên cùng quan tâm; chia sẻ thông tin, trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong hoạt động Quốc hội, hoạt động nữ đại biểu Quốc hội; tiếp tục xây dựng nhận thức chung, thống nhất quan điểm và ủng hộ nhau trên các diễn đàn và tại các hoạt động có sự tham gia của đại diện hai Nhóm; trước mắt là tại Hội nghị WAIPA được tổ chức trong khuôn khổ AIPA45 tổ chức tại Lào vào năm nay và một số hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ hai do Việt Nam đăng cai vào năm 2025.../.