Nông sản Việt xuất ngoại: Quan hệ thương mại bền vững dựa trên chữ tín
Với việc Mỹ và Trung Quốc đồng loạt mở cửa, quả dừa Việt Nam đang có cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu và sớm gia trở thành loại trái cây xuất khẩu tỷ USD.
Việc thông qua các thỏa thuận, nghị định thư xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản mở ra cơ hội tăng giá trị xuất khẩu lên gấp nhiều lần, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Thực tế cho thấy, quá trình mở cửa thị trường đã khó, giữ được thị trường lại cần quy trình quản lý và phát triển sản phẩm nghiêm ngặt.
Cơ hội từ xuất khẩu chính ngạch
Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã gửi thư tới Cục Bảo vệ thực vật thông báo về việc cho phép Việt Nam xuất khẩu dừa sang thị trường này. Như vậy, quả dừa sọ là loại trái cây thứ tám của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi.
Theo thông báo của APHIS ngày 8/8, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ ngay lập tức. APHIS đã phân loại dừa đã tách một phần vỏ là sản phẩm đã qua chế biến nên yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ. Bên cạnh đó, APHIS cho biết đã thông báo nội dung cập nhật tới các Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào của lô hàng tại các cảng nhập của Mỹ. Như vậy, quả dừa Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ có thể ở dạng được loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ và xơ dừa hoặc dạng quả dừa non đã loại bỏ ít nhất 75% (3/4) lớp vỏ xanh bên ngoài.
[Giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các tháng cuối năm]
Dự kiến sang tháng 9/2023, quả dừa Việt Nam cũng sẽ được đưa vào danh mục trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc để hai bên ký kết Nghị định thư. Với việc Mỹ và Trung Quốc đồng loạt mở cửa, quả dừa Việt Nam đang có cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu và sớm gia trở thành loại trái cây xuất khẩu tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết dừa Việt Nam được các nước tiêu thụ đánh giá chất lượng cao hơn, độ ngọt cao hơn và sữa dừa trắng hơn những đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Tuy nhiên vào năm 2019, thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc đột ngột thay đổi chính sách. Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch, quả dừa Việt Nam chưa được đưa vào danh sách được phép nhập chính ngạch nên bị mất đầu ra. Trong khi đó, thị trường Mỹ cũng có nhiều thay đổi khiến dừa tươi không xuất đi được nữa.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, quả dừa là mặt hàng truyền thống của Việt Nam tạo sinh kế của nhiều nông dân trên cả nước. Giá dừa trong nước thời gian qua xuống thấp khiến nông dân trồng dừa lao đao, nhiều nơi bỏ bê chăm sóc… Hiện nay, hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đã dần mở cửa trở lại là thông tin rất vui, tạo cơ hội tăng giá trị xuất khẩu và nâng cao đời sống cho nông dân.
Thách thức giữ vững thị trường
Câu chuyện quả dừa khi được xuất khẩu chính ngạch sẽ tăng giá trị xuất khẩu nhanh chóng không còn là chuyện mới. Năm 2022, sầu riêng được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kể từ đó, giá trị xuất khẩu của loại trái cây này tăng vọt. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 876 triệu USD, tăng gần 19 lần so với mức 44,2 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Muốn xuất khẩu một loại nông sản sẽ phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu của nước tiếp nhận về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, bao bì nhãn mác, quá trình trồng, thu hái, đóng gói sản phẩm… Mỗi nghị định thư được ký kết chính là những giấy thông hành, là điều kiện đầu tiên cần thiết để nông sản xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài.
Thông thường quá trình đàm phán để cơ quan chức năng 2 nước đi đến thoả thuận chung hay nghị định thư về việc xuất khẩu một loại nông sản có thể lên tới 10 năm, chẳng hạn, quả vải tươi xuất khẩu vào Australia mất 11 năm, xoài xuất vào Mỹ 10 năm… Gần đây, thời gian phổ biến để mở cửa một loại trái cây từ 3-5 năm.
Phải mất nhiều năm để đàm phán thế nhưng khi được xuất khẩu chính ngạch, nhiều nơi ồ ạt trồng, thu mua, xuất khẩu và chỉ cần một vài lô hàng không đúng với yêu cầu thì cũng có thể khiến mặt hàng bị tạm dừng xuất khẩu. Mở được thị trường đã khó, giữ được thì trường cũng là thách thức lớn trong quản lý chất lượng sản phẩm. Đây là bài học khi Việt Nam bị tạm dừng xuất khẩu xoài sang Nhật Bản vào năm ngoái và mới đây nhất, Trung Quốc đã cảnh báo Việt Nam tạm dừng xuất khẩu mã số sầu riêng, thanh long... vi phạm kiểm dịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phải công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và tại các cửa khẩu. Theo đó, đối với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân, áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp và sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc và tái phạm nhiều lần trong quá trình kiểm tra kiểm dịch thực vật.
"Việc không kiểm tra hoặc không đảm bảo tuân thủ quy trình có thể dẫn đến bỏ sót các trường hợp không đáp ứng yêu cầu mà vẫn được xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến việc bị phía Trung Quốc và nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu một hoặc toàn bộ các mặt hàng nông sản từ Việt Nam," Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.
Kết thúc chuyến làm việc về tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tại các tỉnh tại tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhận định phía Trung Quốc rất coi trọng chữ tín trong kinh doanh nông sản. Do vậy các doanh nghiệp nông sản trên cả nước cần đảm bảo đúng theo quy định mà phía Trung Quốc yêu cầu thay vì coi đây là thị trường dễ tính như trước đây.
“Chúng ta phải hình thành thói quen xây dựng quan hệ thương mại bền vững, dựa trên chữ tín, kết hợp với điều hành xây dựng chuỗi cung ứng thì mới mong đưa hàng hóa vào chuỗi cung ứng toàn cầu,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh chinh phục được thị trường Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội đưa hàng hóa đến những thị trường khó tính hơn như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Liên minh kinh tế Á - Âu..., tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng thị trường./.