Nông sản Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nếu cứ giữ đúng chất lượng rau quả, khai thác tốt các thị trường, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Với sự tăng trưởng khá trong xuất khẩu rau quả, gạo, hạt điều, càphê... đã giúp cho riêng nhóm nông sản xuất khẩu tăng 11,5%, trong khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp giảm 9,5%. Điều này minh chứng nông sản Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường từ mẫu mã, chất lượng và an toàn thực phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Qua 8 tháng tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về tăng trưởng trong xuất khẩu rau quả với 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều dự báo cho thấy xuất khẩu nhóm này có thể đạt 5 tỷ USD trong năm nay. Đây sẽ là mức kỷ lục mới của rau quả Việt Nam, giúp định vị thêm rau quả Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Sự tăng trưởng này được kỳ vọng bởi mặt hàng sầu riêng khi Tây Nguyên bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Đây là thời điểm dường như chỉ có Việt Nam có vụ sầu riêng và là lợi thế về xuất khẩu. Sản lượng và giá trị xuất khẩu sẽ tăng rất nhiều.
Không chỉ sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nếu cứ giữ đúng chất lượng rau quả, khai thác tốt các thị trường, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Không chỉ rau quả, nhiều ngành hàng như càphê, hồ tiêu, gạo... ngày càng có sự quản lý chặt chẽ trong sản xuất cũng như xây dựng các hướng đi với các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm đặc sản riêng có của mỗi địa phương, doanh nghiệp để tiến sâu hơn vào thị trường thế giới.
[Tăng cường đưa hàng nông sản Việt Nam tới người tiêu dùng Singapore]
Điển hình ngành hàng càphê Việt Nam cũng đang nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Riêng tỉnh Gia Lai hiện có hơn 36.600ha càphê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance và hơn 12.086 ha cà phê ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, từ năm 2016, công ty đã liên kết với các hợp tác xã để sản xuất, chế biến cà phê đặc sản và cà phê chất lượng cao, đào tạo nông dân thay đổi tư duy canh tác, tư duy chế biến.
Khởi nguồn từ khát vọng nâng cao uy tín, giá trị hạt càphê Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh cho biết, 10 năm trở lại đây, Việt Nam xuất hiện các nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị không ngừng tìm kiếm, thử nghiệm nhiều giải pháp, mô hình nhằm từng bước phát triển sản phẩm và thị trường càphê đặc sản.
Trước xu hướng ngày càng nhiều thị trường đưa ra yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm đòi hỏi sản xuất trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với sự đồng hành hỗ trợ của các ngành chức năng, đặc biệt mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã... đến nay, cả nước đã có 2.510 chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn được thiết lập duy trì. Cùng với đó, đã có 151.776 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP...
Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ duy trì thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm tra chứng nhận nông sản xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đồng thời chủ động tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Cục theo dõi sát và kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; hướng dẫn xử lý và triển khai các biện khắc phục đối với các lô hàng xuất khẩu vi phạm an toàn thực phẩm.
Mỗi thị trường nhập khẩu đều có những quy định riêng về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cần thực hiện đúng các quy định về quản lý vùng trồng, vệ sinh vùng trồng...; thường xuyên cập nhật và thực hiện đúng các quy định về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, đảm bảo đúng quy định về cách ly thuốc trước khi thu hoạch.
Cơ quan chức năng cần thường xuyên thông tin, cập nhật các quy định mới về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã... Với các trường hợp gian lận khi làm thủ tục kiểm dịch xuất khẩu phải bị xử lý nghiêm.
Việc tăng cường kiểm dịch xuất khẩu, kiểm tra chặt chẽ các lô hàng xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, góp phần giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam, ông Ngô Xuân Nam cho hay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhấn nhạnh, các sản phẩm từ các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu đi phải đảm bảo chất lượng và đáp ứng được các yêu cầu của phía đối tác, đó là điều rất quan trọng.
Thời gian qua, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng.
Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, nếu doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm sẽ không cho phép xuất khẩu. Đồng thời ngay lập tức sẽ có thông báo để các cơ quan chuyên môn tại địa phương kiểm tra, đánh giá, giám sát tìm hiểu nguyên nhân mã số vùng trồng có hàng hóa xuất phát từ địa phương không bảo đảm yêu cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng thêm 2 nghị định. Đó là nghị định về hướng dẫn cấp mã số, vùng trồng và cơ sở đóng gói; nghị định về các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này.
“Đây là sẽ căn cứ pháp lý rất quan trọng để phục vụ cho việc quản lý sản xuất một cách chặt chẽ hơn, có các chế tài rõ ràng hơn,” Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết./.