Nông, lâm, thủy sản Việt được xuất tới hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 8 tháng năm 2024, ước tính xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 30/8, tại Hà Nội, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Lễ kỷ niệm “30 năm hành trình chất lượng nông lâm thủy sản” (26/8/1994-26/8/2024).
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng trong bối cảnh hiện tại, ngoài nhiệm vụ nâng cao giá trị xuất khẩu, NAFIQPM cần dành nguồn lực nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến người dân - những người trong hệ sinh thái sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm.
Tư duy sản xuất nông nghiệp đang thay đổi liên tục, theo hướng đảm bảo vệ sinh, an toàn, chất lượng cho mọi tác nhân trong chuỗi. Song song với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thậm chí xử phạt những vụ việc mất an toàn thực phẩm, NAFIQPM còn phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu, NAFIQPM cần làm nổi bật hơn nữa vai trò “phát triển thị trường” bởi thị trường là đích đến, nhưng cũng là yếu tố đầu vào, định hình, cơ cấu lại sản xuất.
Với hệ thống rộng khắp cả nước, Bộ trưởng hy vọng, NAFIQPM sẽ trở thành một chỗ dựa vững chắc của doanh nghiệp, người dân.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sự lớn mạnh và trưởng thành của hệ thống quản lý chất lượng trong 30 năm qua đã tạo niềm tin mạnh mẽ và điểm tựa vững vàng cho người dân và doanh nghiệp trong bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngay sau khi thành lập, NAFIQACEN đã nhanh chóng hình thành hệ thống với trung tâm ở Hà Nội và 6 chi nhánh trực thuộc đóng tại các vùng trọng điểm nghề cá: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau với đầy đủ đội ngũ cán bộ kiểm nghiệm, thẩm định, thanh tra. Nhờ đó, đơn vị kịp thời tham mưu “nội luật hóa” các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Codex (cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng xây dựng) và yêu cầu của các thị trường xuất khẩu có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm tại thời điểm đó là: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản.
Lực lượng cán bộ đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực tự kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc nhận diện mối nguy gây mất an toàn thực phẩm và kiểm soát mối nguy quan trọng tại điểm tới hạn (HACCP).
Đó là con đường nhanh nhất để các bên tham gia chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản tiếp cận được các thị trường lớn và có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm như Nhật, Mỹ, EU và các quốc gia khác.
Với nguồn lực của nhà nước đầu tư và các dự án hỗ trợ quốc tế đã giúp NAFIQPM nhanh chóng xây dựng được đội ngũ cán bộ kiểm nghiệm, thẩm định, thanh tra có trình độ chuyên môn sâu, cùng với hệ thống 6 phòng kiểm nghiệm với trang thiết bị có khả năng kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm đạt chuẩn quốc tế.
NAFIQPM đã đóng góp quan trọng trong bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sự phát triển không ngừng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam và đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước. Điều đó được chứng minh qua kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy, mức an toàn thực phẩm năm 2023 đã được cải thiện đáng kể so với năm 2016.
Đó là tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm gia tăng từ 91% lên 99%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm tăng từ 72% lên 92%; tỷ lệ mẫu lấy giám sát trên diện rộng đạt an toàn thực phẩm tăng từ 92,4% lên 97,4%.
Không chỉ kiểm soát tốt an toàn thực phẩm trong nước, NAFIQPM còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, nhất là các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cập nhật thông tin thị trường, quy định mới của quốc gia nhập khẩu và chủ động đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại để nông sản Việt ngày càng mở rộng xuất khẩu, định danh trên toàn cầu.
Nhờ vậy, nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số sản phẩm, doanh nghiệp được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng đạt mốc trên 53 tỷ USD năm 2023.
Đặc biệt, trong 8 tháng năm 2024 ước xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,08 tỷ USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ). Đây là động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp nông thôn, sinh kế và đời sống nông dân.
Trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết NAFIQPM tập trung vào 4 “trụ cột” là đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; kích hoạt gia tăng chế biến trong từng chuỗi ngành hàng; chủ động đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông quảng bá phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
NAFIQPM đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ưu tiên nguồn lực triển khai trong thời gian tới. Theo đó nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đồng bộ, gắn kết công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến gia tăng giá trị với phát triển thị trường nông lâm thủy sản.
Cùng đó, hai là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho hoạt động chuẩn hóa chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm làm cơ sở xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực.Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, mở rộng và phát triển thị trường nông lâm thủy sản.
Đồng thời, chuyển mạnh phương thức quản lý dựa trên nguy cơ, kiểm tra, thanh tra đột xuất, phối hợp liên ngành nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố chất lượng, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại tạo môi trường bình đẳng thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
Ngoài ra, chủ động phối hợp với các đơn vị trong đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Cuối cùng là tăng cường cập nhật, phổ biến và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đáp ứng quy định của thị trường và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng./.