Nông dân làm chủ kiến thức sẽ tự quyết định được con đường của mình
Người nông dân khi được trang bị kiến thức, tri thức sẽ quyết định được việc làm của mình để nâng cao đời sống cho chính bản thân, cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.
Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh: gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh."
Đặc biệt, nông dân vẫn luôn là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, để có cái nhìn tổng quát hơn về hiệu quả của phát triển nông nghiệp sinh thái cũng như vai trò quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam.
- Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội và sự hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân, cả nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Xin bà cho biết, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc xây dựng nông thôn mới?
Bà Bùi Thị Thơm: Hội Nông dân Việt Nam đã xác định và nhận thức đúng được vai trò của Hội là trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc nông thôn mới, nên khi có phát động phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Việt Nam đã phát động phong trào nông dân thi đua, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động để nông dân thấy rõ được ý nghĩa, vị trí và tầm quan trọng của phong trào; tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để làm đường xây dựng các công trình phúc lợi, đồng thời bảo vệ cảnh quan môi trường.
Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, đặc biệt phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hướng dẫn, vận động cho nhân dân liên kết hợp tác để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Đặc biệt, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp cũng tham gia tích cực vào hoạt giám sát việc thực hiện các chính sách trong xây dựng nông thôn mới.
[Chỉ thị của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp]
- Bà đánh giá như thế nào về những thay đổi của kinh tế nông nghiệp thời gian qua và tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay?
Bà Bùi Thị Thơm: Có thể khẳng định rằng, kinh tế nông nghiệp thời gian qua đã có sự thay đổi rất lớn, chúng ta có những con số rất ấn tượng.
Chỉ tính từ năm 2008 khi có Nghị quyết 26-NQ/TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp tăng 2,94%/ năm; năng suất lao động nông nghiệp là 53,5 triệu/ trên người, tăng gấp 2 lần so với năm 2008; xuất khẩu nông sản cũng tăng gấp 8%/năm.
Đặc biệt năm 2020-2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu đạt con số rất ấn tượng: Năm 2020 là 41,5 tỷ USD, năm 2021 là 46,8 tỷ USD và trong 7 tháng đầu năm nay là 32,3 tỷ USD, vượt 12% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế. Phát triển nông nghiệp của nước ta còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm. Đặc biệt trong những năm gần đây, giá cả vật tư đầu vào tăng cao dẫn đến thu nhập của bà con thấp.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng có phần nào tác động đến nông nghiệp, một số nơi có tình trạng sử dụng đất nông nghiệp lãng phí và kém hiệu quả.
Tiềm năng phát triển nông nghiệp nước ta rất lớn, đất đai nông nghiệp hiện nay là gần 28 triệu ha, chiếm 84% tổng diện tích đất tự nhiên, là nguồn tài nguyên rất quan trọng góp phần vào việc thúc đấy phát triển nông nghiệp.
Cùng với những lợi thế đất đai, khí hậu, địa hình đa dạng cũng là lợi thế để tạo ra số lượng nông sản và chủng loại đa dạng.
Một điều quan trọng không thể không nhắc đến đó là người nông dân rất cần cù, chịu khó, năng động sáng tạo, mạnh dạn đổi mới, không cam chịu đói nghèo và vươn lên làm giàu, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Với tất cả những lợi thế đó, những điểm mạnh đó đã thúc đẩy cho nông nghiệp của Việt Nam phát triển và có lợi thế rất là mạnh.
- Nghị quyết 19-NQ/TW đặt ra mục tiêu rất cao về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xin bà cho biết nhiệm vụ cụ thể của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới là gì?
Bà Bùi Thị Thơm: Chúng tôi luôn xác định tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, trong đó có 7 nhóm giải pháp chính. Nhiệm vụ đầu tiên là phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho nông dân nắm được những nội dung, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là những yêu cầu đặt ra hiện nay.
Nhiệm vụ thứ hai là trang bị kiến thức cho nông dân thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để tăng cường năng lực cho nông dân. Người nông dân làm chủ kiến thức sẽ tự quyết định được con đường cho mình.
Nhiệm vụ thứ ba là tổ chức thật tốt và có hiệu quả các dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ, tạo việc làm cho nông dân.
Nhiệm vụ thứ tư là phải chăm lo thường xuyên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nông dân, phát huy được vai trò là cầu nối giữa Đảng và nông dân; phải thực sự là tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên.
Nhiệm vụ thứ năm là tăng cường mở rộng các hoạt động về đối ngoại và hợp tác quốc tế để khai thác các nguồn lực, hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế, xây dụng nông thôn mới.
Nhiệm vụ thứ sáu là xây dựng hội vững mạnh, tập hợp đoàn kết nông dân tham gia tổ chức Hội, vào Hội; đẩy mạnh thành lập các chi tổ hội nghề nghiệp; không ngừng đổi mới nội dung hoạt động, lấy quyền và lợi ích thiết thân của nông dân làm mục đích hoạt động của Hội.
Nhiệm vụ giải pháp cuối cùng, rất quan trọng, đó là phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, tăng cường phối hợp với chính quyền, các cơ quan tổ chức, các doanh nghiệp, các hiệp hội để tạo ra những cơ chế, khai thác những nguồn lực, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân các cấp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.
- Với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích của nông dân, xin bà cho biết Hội Nông dân Việt Nam có những kiến nghị, đề xuất gì để giải quyết tốt vấn đề này?
Bà Bùi Thị Thơm: Có bốn nội dung chính mà chúng tôi mạnh dạn kiến nghị. Thứ nhất là đề nghị với Đảng xây dựng Nghị quyết chuyên đề để xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc tế.
Thứ hai, đề nghị với Chính phủ tạo cơ chế, chính sách, nguồn lực kinh phí để giúp cho các cấp Hội thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, đó là tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nông dân, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp chính quyền, phối hợp tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp được thực hiện và phối hợp thực hiện các chương trình, dự án, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng ngay trên địa bàn của mỗi địa phương.
Mong muốn cuối cùng là đề nghị Chính phủ tạo cơ chế về nguồn lực, kinh phí để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nông dân các kiến thức, đào tạo nghề, nâng cao trình độ tay nghề cho người nông dân.
Cuối cùng, tôi vẫn muốn khẳng định lại rằng, chỉ khi người nông dân có kiến thức, có đủ tri thức mới có thể quyết định được việc làm của mình để nâng cao đời sống cho chính bản thân nông dân, cho gia đình và góp phần vào xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh./.
- Trân trọng cảm ơn bà!./.