Nỗi lo lãi suất cao đè nặng lên các thị trường châu Á phiên chiều 30/5
Phiên giao dịch chiều 30/5, giá vàng châu Á giảm phiên thứ hai liên tiếp, giá dầu suy yếu trong khi chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống.
Nỗi lo lãi suất cao đè nặng lên các thị trường châu Á trong phiên giao dịch chiều 30/5.
Giá vàng tiếp tục đi xuống khi đồng USD mạnh lên
Giá vàng châu Á giảm phiên thứ hai liên tiếp vào chiều 30/5, khi đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc tăng cao. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng khi chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.334,06 USD/ounce vào lúc 15h43 (giờ Việt Nam), sau khi để mất 1% vào phiên trước đó. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,4% xuống 2.332,70 USD/ounce.
Đồng USD đang ở mức cao nhất trong hơn hai tuần, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Gây thêm sức ép cho giá vàng là việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ vẫn duy trì gần mức cao nhất trong nhiều tuần.
Ông Tim Waterer, nhà phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính KCM Trade, cho biết nhà đầu tư đang nhận ra rằng môi trường lãi suất cao hiện tại có thể sẽ kéo dài.
Và khi thị trường một lần nữa chuyển sang theo đuổi lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD, sự chú ý đối với vàng đã giảm bớt trong tuần này.
Giá vàng đã giảm hơn 100 USD kể từ khi đạt mức cao kỷ lục 2.449,89 USD/ounce vào ngày 20/5 - thời điểm những nhận xét từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và biên bản cuộc họp gần đây nhất chỉ ra con đường đến mục tiêu lạm phát 2% vẫn còn rất dài.
Hiện các nhà giao dịch dự báo Fed có khoảng 47% khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng Chín, so với 60% trước khi biên bản cuộc họp được đưa ra.
Hiện thị trường đang chờ đợi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ vào ngày 31/5 (giờ địa phương) để có manh mối về quỹ đạo chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này.
Ông Waterer kỳ vọng vàng có thể giữ vững mức 2.300 USD/ounce nhờ các yếu tố hỗ trợ khác. Tuy nhiên, bất kỳ mức tăng nào từ PCE đều có thể khiến vàng phải vật lộn để duy trì ngưỡng trên.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,4% xuống 31,50 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,5% xuống mức 1.030,05 USD/ounce.
Tại Việt Nam, khép phiên 30/5, công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 86,30 triệu đồng-88,80 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Nỗi lo lãi suất cao làm giá dầu suy yếu
Giá dầu giảm trong chiều 30/5, sau khi thị trường nhận thấy khả năng chi phí vay sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian dài hơn có thể gây ra một cú sốc đối với nhu cầu năng lượng.
Trước khi Mỹ công bố số liệu dự trữ dầu thô chính thức vào cuối ngày, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 26 xu Mỹ (0,3%) xuống 83,34 USD/thùng vào lúc 14h30 (giờ Việt Nam).
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) của Mỹ giảm 23 xu Mỹ (0,3%) xuống 79,00 USD/thùng. Cả hai loại dầu chuẩn đều hướng tới mức giảm hàng tháng, với giá dầu Brent có xu hướng giảm hơn 5% so với tháng trước, trong khi dầu WTI trượt giá hơn 3%.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại ngân hàng IG, cho biết môi trường bớt ưa thích rủi ro đã tạo ra một số áp lực khiến giá dầu suy giảm.
Yếu tố này thậm chí có sức nặng vượt qua mức giảm lớn hơn dự kiến trong báo cáo lượng dầu thô dự trữ do Viện Dầu mỏ Mỹ công bố hôm 29/5. Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố vào cuối ngày 30/5.
Ngoài ra, giới quan sát nhận định thông tin lượng dầu dự trữ toàn cầu tăng trong tháng Tư do nhu cầu nhiên liệu yếu có thể củng cố khả năng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối (nhóm OPEC+) tiếp tục cắt giảm nguồn cung.
OPEC+ sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 2/6 tới.
Chứng khoán châu Á tiếp tục chịu sức ép
Chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống trong phiên 30/5, khi giới giao dịch lo ngại đà tăng của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng như bớt hy vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất.
Tại thị trường Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong đã giảm phiên thứ ba liên tiếp, theo sau đợt bán tháo ở Phố Wall gây ra bởi lo ngại về triển vọng lãi suất tại Mỹ.
Chỉ số Hang Seng phiên này giảm 1,34% tương đương 246,82 điểm xuống 18.230,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,62% (19,34 điểm) xuống 3.091,68 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản cũng đóng cửa giảm điểm với chỉ số Nikkei 225 mất 1,30% (502,74 điểm) xuống 38.054,13 điểm. Các thị trường Seoul, Wellington và Taipei đều giảm hơn 1%. Singapore, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng nằm trong vùng giảm điểm.
Đợt bán tháo đã kéo dài hơn một tuần, chủ yếu do các số liệu tốt hơn dự báo cùng những cảnh báo từ các quan chức Fed rằng họ không vội giảm chi phí đi vay. Các nhà giao dịch hiện đang tập trung vào PCE - thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Họ hy vọng những dấu hiệu cho thấy giá cả đang được kiểm soát đủ để thuyết phục các quan chức nới lỏng chính sách tiền tệ. Cuộc khảo sát Sách Be (Beige Book) của Fed về tình hình nền kinh tế hàng đầu thế giới cho thấy triển vọng đã trở nên u ám hơn.
Hoạt động chi tiêu tùy ý đã giảm bớt và người tiêu dùng đang nhạy cảm hơn với chi phí trong những tuần gần đây.
Dù vậy, báo cáo mang lại một chút hy vọng rằng lập trường chính sách thắt chặt của Fed đã có tác dụng nhất định, mặc dù lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Hy vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất hiện vẫn mờ nhạt.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/5, chỉ số VN-Index giảm 6,32 điểm (0,50%) xuống 1.266,32 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0,14 điểm (0,06%) xuống 244,01 điểm./.