Nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu cho quả vải Hưng Yên
Cùng với thương hiệu nhãn lồng, Hưng Yên còn được biết đến là cái nôi của vải lai chín sớm Phù Cừ, đặc biệt là quả vải trứng. Hiện tỉnh đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho quả vải Hưng Yên.
Cùng với thương hiệu nhãn lồng, Hưng Yên còn được biết đến là cái nôi của vải lai chín sớm Phù Cừ, đặc biệt là quả vải trứng.
Để nâng cao giá trị của loại nông sản này, các ngành chức năng của tỉnh đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho quả vải Hưng Yên.
Huyện Phù Cừ là "thủ phủ" trồng vải của tỉnh Hưng Yên, với tổng diện tích 1.200ha, trong đó vải lai chín sớm Phù Cừ 850ha, còn lại là diện tích trồng vải trứng Hưng Yên. Năm nay, sản lượng vải toàn huyện ước đạt trên 14.000 tấn.
Để thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, huyện hình thành các vùng trồng vải tập trung. Vải lai chín sớm Phù Cừ được trồng chủ yếu ở các xã phía Nam của huyện như xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến. Trong khi đó, vải trứng Hưng Yên được trồng tại các xã Phan Sào Nam và Minh Tân.
Vải lai Phù Cừ có đặc điểm chín sớm, quả có hình tim lệch, trọng lượng trung bình khoảng 25-30 quả/kg được sản xuất theo quy trình VietGAP có vị ngọt dịu và mùi thơm đặc trưng. Đáng chú ý, loại vải này chín sớm hơn các loại vải khác trên thị trường từ 10-15 ngày nên rất được khách hàng ưa chuộng.
Trong khi đó, vải trứng Hưng Yên có nhiều ưu thế vượt trội so với các loại vải khác như quả to hình thù như trứng gà, trọng lượng từ 18-22 quả/kg, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát đặc trưng.
Hai sản phẩm này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu cho quả vải Hưng Yên.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cừ Vũ Xuân Thủy cho biết những năm qua, để nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm vải quả tươi, huyện chủ động tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải; hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã tiêu biểu tham gia các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản do tỉnh tổ chức. Đây là cơ hội để các nhà vườn và hợp tác xã trong huyện thúc đẩy sản xuất, tiếp cận thêm nhiều đầu mối cung ứng, phân phối nông sản đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vì thế, những năm qua, vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên luôn được các doanh nghiệp, thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo ông Vũ Xuân Thủy, những năm qua, huyện có những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tập trung như xây dựng đường nội đồng, hạ tầng lưới điện, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc… Các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện khuyến khích bà con sản xuất theo quy trình VietGAP; thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây trồng để kịp thời khuyến cáo nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc "4 đúng" (Đúng thuốc-Đúng liều-Đúng lúc-Đúng cách) nhằm đảm bảo chất lượng quả vải, nhất là an toàn cho người tiêu dùng.
"Để nâng tầm thương hiệu cho quả vải, thời gian tới, huyện Phù Cừ sẽ tập trung chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi, trọng tâm là chuyển đổi mạnh sang trồng cây trồng chủ lực là vải trứng Hưng Yên và vải lai chín sớm Phù Cừ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm," ông Vũ Xuân Thủy cho biết thêm.
Xã Minh Tiến là xã trọng điểm trồng cây vải lai chín sớm Phù Cừ với diện tích lên trên 250ha, năm nay, sản lượng vải của xã ước đạt trên 7.000 tấn.
Giám đốc Hợp tác xã Minh Tiến, xã Minh Tiến Đồng Thị Thu Hương cho biết ưu thế chín sớm cộng với mẫu mã sáng, đẹp, vị ngọt thanh đặc trưng đã khiến quả vải lai chín sớm Phù Cừ những năm gần đây trở thành một sản phẩm nông sản thu hút thị hiếu khách hàng. Dù năm nay sản lượng vải lai chín sớm không cao như mọi năm nhưng bù lại được giá, với giá bán từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg.
Theo bà Đồng Thị Thu Hương, những năm gần đây, Ủy ban Nhân dân Phù Cừ đã tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải lai chín sớm trước thời điểm thu hoạch vải. Năm nay, có rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các thương lái được mời đến dự và tham quan các vườn vải, vì thế hầu hết sản lượng của Hợp tác xã đều được thu mua ngay tại vườn nên bà con rất phấn khởi.
Những ngày qua, sản phẩm vải trứng Hưng Yên đã tạo nên "cơn sốt" trên thị trường trái cây Việt Nam với ưu thế quả to, mã đẹp, vị ngọt đặc trưng. Dù có giá bán khá cao từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg nhưng do sản lượng thấp nên mặt hàng này luôn trong tình trạng "cháy hàng."
Dù mặt hàng này đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến nhưng đây cũng là thách thức không nhỏ đặt ra với các cấp chính quyền trong việc nâng tầm thương hiệu vải trứng Hưng Yên.
Ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, chia sẻ vải trứng Hưng Yên với ưu thế quả to, vỏ đỏ, ngọt thơm và thanh mát đặc trưng luôn được những người sành ăn về tận vườn để tìm mua. Do đó, việc canh tác an toàn hướng tới hữu cơ luôn là mục tiêu để Hợp tác xã nỗ lực hướng đến nhằm nâng tầm giá trị của vải trứng Hưng Yên.
Để giữ vững thương hiệu "vải trứng Hưng Yên" dù được hay mất mùa Hợp tác xã vẫn luôn giữ mức giá ổn định để phục vụ thị trường. Mặc dù, năm nay sản lượng quả không được như mọi năm, nhưng Hợp tác xã vẫn giữ mức giá ổn định từ 120.000-150.000 đồng/kg, kiên quyết không tăng giá. Vì thế, toàn bộ sản lượng vải của Hợp tác xã đã được các doanh nghiệp, thương lái đặt mua.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên Vũ Quang Thắng chia sẻ từ ngày 1-2/6, Sở đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công "Phiên chợ vải Hưng Yên" tại Khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang. Đây là dịp để các hợp tác xã, nhà vườn, hộ sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vải lai chín sớm Phù Cừ, vải trứng Hưng Yên trao đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến hình thành các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu.
Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ vải quả nói riêng và nông sản của tỉnh nói chung, tránh tình trạng "được mùa mất giá," phụ thuộc vào thị trường, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh./.