Nỗ lực vì sự phát triển của Làng nghề Gốm truyền thống Bàu Trúc

Các nghệ nhân, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của Làng nghề Gốm truyền thống Bàu Trúc đã có những sáng kiến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và thu hút du khách.

Ông Đàng Chí Quyết giới thiệu với du khách về gốm truyền thống của làng nghề. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong những ngày đầu tháng 10, tại các làng Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Ninh Thuận, đồng bào nơi đây đang rộn ràng chuẩn bị vui đón lễ hội Katê (đầu tháng 7 Chăm lịch, tức ngày 13-15/10 dương lịch).

Tại Làng Gốm truyền thống Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước), không khí mùa Xuân của đồng bào theo đạo càng thêm náo nhiệt hơn, bởi Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Niềm vinh dự, tự hào này có được nhờ công sức không nhỏ của các nghệ nhân, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, trong đó có ông Đàng Chí Quyết, Bí thư Chi bộ,Trưởng Ban Quản lý khu phố, Trưởng Ban Quản lý Du lịch Cộng đồng Làng nghề Gốm Bàu Trúc, người đảng viên mẫu mực, luôn vì sự phát triển của làng nghề và cuộc sống của đồng bào.

Giữ gìn, phát huy nghề truyền thống

Chia sẻ thông tin về làng gốm, ông Đàng Chí Quyết (52 tuổi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Trưởng Ban Quản lý Du lịch Cộng đồng Làng nghề Gốm Bàu Trúc) cho biết khu phố Bàu Trúc có 661 hộ với 3.219 khẩu; có hai dân tộc Kinh và Chăm cùng sinh sống lâu đời, trong đó đồng bào Chăm chiếm 94%.

Từ xưa đến nay, đồng bào chủ yếu sản xuất nông nghiệp, làm nghề gốm và buôn bán nhỏ.

Làng nghề Gốm chăm Bàu Trúc được xem là làng nghề cổ xưa nhất ở khu vực Đông Nam Á còn tồn tại đến nay.

[UNESCO ghi danh Di sản Phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm]

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Nghệ thuật làm Gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngày 29/11/2022, Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tháng 6/2023, bà con nơi đây phấn khởi được tham dự lễ đón Bằng của UNESCO. Đây là niềm vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng nghề gắn với việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thu hút du khách.

Ông Quyết cho biết ông sinh ra và lớn lên tại làng gốm Bàu Trúc, làm việc tại khu phố vào năm 2005.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Quản lý khu phố, là người có uy tín, ông luôn cùng với các thành viên Ban Quản lý tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Trong công việc, ông luôn bám sát nghị quyết của Chi bộ, các văn bản, kế hoạch hướng dẫn của cấp trên và được người dân chung tay hưởng ứng.

Với sự tham vấn của ông Quyết và nghệ nhân làng gốm cùng sự hỗ trợ của chính quyền huyện Ninh Phước, Làng nghề Gốm Bàu Trúc đã thành lập hai hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm, một công ty, 11 cơ sở sản xuất lớn cùng với hơn 300 hộ sản xuất gia công gốm.

Ông Đàng Chí Quyết trao đổi với các cơ quan truyền thông về gốm truyền thống của làng nghề. (Ảnh: TTXVN phát)

Thông qua những lần tổ chức hội nghị khu phố và các sự kiện khác tại địa phương, ông thường xuyên lồng ghép, tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn, phát huy nghề truyền thống ông cha để lại.

Ông còn tìm hiểu thị trường, khuyến khích bà con đầu tư, tạo sản phẩm mới, độc đáo, đa dạng về mẫu mã, khôi phục các hoa văn cổ để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong, ngoài nước.

Hằng năm, làng gốm sản xuất và đưa ra thị trường hơn 12.000 sản phẩm các loại, tạo việc làm cho trên 400 lao động; thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Bà con nơi đây rất phấn khởi vì người làm gốm sống được bằng nghề; đồng thời, giá trị di sản văn hóa của gốm đang được bảo tồn, phát huy.

Địa phương đã thành lập Ban Quản lý Du lịch Cộng đồng dựa vào di sản, hoạt động tại Nhà sinh hoạt Cộng đồng Chăm Bàu Trúc với 40 thành viên tham gia.

Ông Quyết được tín nhiệm làm Trưởng Ban Quản lý nhằm phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản, bảo tồn, quảng bá những giá trị di sản tại làng nghề, giới thiệu đến du khách trong, ngoài nước về nghệ thuật làm gốm truyền thống “làm bằng tay, không bàn xoay” với cách nung lộ thiên.

Để quảng bá giá trị di sản tại làng nghề, ông Quyết đã vận động nghệ nhân, thợ làm gốm thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ làm Gốm, thu hút trên 30 người cùng sinh hoạt vào ngày cuối tuần.

Ông Quyết cùng với Ban Quản lý khu phố đã phối hợp với Hội đồng Anh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm mở 2 lớp dạy nhạc cụ Chăm với 60 học viên tham gia; một lớp học hát ngâm thơ ca Chăm với 15 học viên.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Là Trưởng Ban Quản lý Du lịch Cộng đồng, hằng năm, khi lễ hội Katê đến, ông Quyết vận động và tham gia dạy con em trong làng múa hát, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian... chào mừng lễ hội; đồng thời tận dụng, khai thác hiệu quả nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm để dạy chữ Chăm cho thiếu niên, học sinh.

Hàng đêm, nơi đây còn là điểm sinh hoạt của các cháu thiếu niên đến tập múa, học nhạc cụ truyền thống. Đây đã trở thành điểm lý tưởng của du khách khi đến tham quan, du lịch, trải nghiệm làm gốm và thưởng thức các món ăn truyền thống, xem các điệu múa, nghe các làn điệu dân ca mộc mạc của người Chăm.

Ông Quyết còn vận động nhân dân chung tay đóng góp kinh phí hàng trăm triệu đồng xây dựng nông thôn mới; tôn tạo các di tích văn hóa; trồng 150 cây xanh trên vỉa hè ở các tuyến đường trong khu phố, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường nông thôn...

Ông luôn quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, duy trì và phát triển tộc họ khuyến học, vận động đóng góp quỹ “Tấm lòng Vàng” để cấp học bổng, hỗ trợ tiền tàu, xe cho con cháu thi đỗ vào các trường Đại học, học sinh nghèo hiếu học; vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 300 đầu sách cho thư viện nhà sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, ông còn vận động thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Bàu Trúc tham gia các lớp do Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ Thực vật, Hội Làm vườn tỉnh tổ chức.

Từ đó, bà con mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từng bước sản xuất theo hướng VietGAP.

Chia sẻ về định hướng phát triển của làng nghề sau này, ông Quyết mong muốn các cấp chính quyền, ban, ngành quan tâm hơn nữa đến làng nghề, mở thêm các lớp đào tạo về sản xuất gốm; quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét, điểm nung gốm; hỗ trợ vốn vay để đầu tư phát triển cơ sở sản xuất gốm, tìm đầu ra sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất, tăng thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Dân Lê Thị Chính cho biết ông Quyết luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, không quản ngại khó khăn, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng ủy, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị Chi bộ, xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền.

Ông Quyết luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Những công vụ của địa phương luôn được đồng chí đưa ra bàn bạc, công khai dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đảng viên và nhân dân. Qua đó, tạo sự đoàn kết trong Chi bộ, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của người đảng viên, góp phần quan trọng vào thành tích chung của địa phương, là cầu nối giữa Đảng với dân, tạo lòng tin son sắt giữa dân với Đảng.

Với tinh thần và sự nhiệt huyết của người đảng viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cùng những thành tích đáng tự hào, ông Quyết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, huyện Ninh Phước và thị trấn Phước Dân tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen./.

Công Thử (TTXVN/Vietnam+)