Nỗ lực bảo tồn châu Phi đặt cộng đồng địa phương là trọng tâm
Châu Phi đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể do cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, đòi hỏi phải có hành động phối hợp về khí hậu-tự nhiên ở cấp khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Diễn đàn Bảo tồn châu Phi 2024 của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã khai mạc ngày 26/6 tại thủ đô Nairobi của Kenya với chủ đề "Giải pháp châu Phi cho thiên nhiên và con người: Tạo ra những phản ứng mang tính biến đổi đối với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và khí hậu ở châu Phi."
Diễn đàn kéo dài 3 ngày, quy tụ hơn 500 đại biểu tham dự là các thành viên của IUCN và các bên liên quan trên khắp châu Phi để thảo luận về đa dạng sinh học, bảo tồn và những thách thức về phát triển bền vững mà lục địa này đang phải đối mặt.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Du lịch và Động vật hoang dã của Kenya, Tiến sỹ Alfred Mutua nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt cộng đồng địa phương vào trọng tâm của mọi nỗ lực bảo tồn.
Ông Mutua nêu rõ: "Để công tác bảo tồn thực sự hiệu quả và bền vững, chúng ta phải đảm bảo rằng cộng đồng địa phương không chỉ tham gia mà còn là những người hưởng lợi chính."
Cũng tại diễn đàn trên, Chủ tịch IUCN Razan Al Mubarak cho biết: “Với tư cách là một Liên minh, chúng tôi vui mừng khi thấy sự thừa nhận ngày càng tăng về nhu cầu bảo tồn toàn diện ở khu vực châu Phi và sự tham gia của rất nhiều tổ chức và cá nhân khác nhau trong việc đạt được mục tiêu chung là đảm bảo công bằng và các quyền trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn.”
Đây là một trong những diễn đàn bảo tồn khu vực của IUCN được tổ chức trên toàn cầu trong năm nay, mang đến cho các thành viên cơ hội định hình chương trình nghị sự cho Đại hội Bảo tồn Thế giới của IUCN sẽ được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào năm 2025.
Châu Phi đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể do cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Lục địa này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đòi hỏi phải có hành động phối hợp về khí hậu-tự nhiên ở cấp khu vực.
Với Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (KMGBF) được ký trong năm 2022, châu Phi đã đặt ra một số mục tiêu đầy tham vọng, tuy nhiên việc đáp ứng những mục tiêu này đòi hỏi những nỗ lực hợp tác.
Theo Tiến sỹ David Obura, chủ tịch Diễn đàn chính sách-khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, đồng thời là Giám đốc của tổ chức nghiên cứu và bảo tồn Ấn Độ Dương (CORDIO East Africa), cần tạo ra những phản ứng mang tính biến đổi đối với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và khí hậu ở châu Phi.
Diễn đàn Bảo tồn châu Phi 2024 của IUCN có sự tham gia của các nhóm cấp cao bao gồm đại diện chính phủ các nước châu Phi, chuyên gia khoa học, người dân bản địa và đại diện cộng đồng địa phương để thảo luận về các biện pháp nhằm ứng phó với các thách thức và xu hướng bảo tồn ở châu Phi./.