Nợ công - điểm nghẽn trong câu chuyện kinh tế của châu Âu

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Linder, các quy định tài chính mới vừa thực tế hơn vừa hiệu quả hơn, vì nó đặt ra các số liệu rõ ràng về mức thâm hụt thấp hơn và tỷ lệ nợ giảm đi.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Linder. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 20/12, Bộ trưởng tài chính các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí nới lỏng quy định về hạn chế nợ công và thâm hụt trong khối, theo đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner và người đồng cấp Pháp, Bruno Le Maire.

Đề xuất này đã được hai bộ trưởng tài chính Đức-Pháp thống nhất tối ngày 19/12. Hai đối thủ nặng ký về kinh tế của EU đã mâu thuẫn về các quy tắc tài chính này trong một thời gian dài.

Các quy định mới đặt ra mức thâm hụt trung bình và giảm nợ tối thiểu mà các chính phủ phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu "thắt lưng buộc bụng" của các nước EU do Đức khởi xướng nhưng nhìn chung, các quy định mới nhẹ nhàng hơn so với quy định trước đó, đánh dấu chiến thắng cho hầu hết các quốc gia phía Nam châu Âu do Pháp dẫn đầu.

Tuy nhiên, các cải cách này vẫn phải được các nước thông qua và đàm phán với Nghị viện châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Linder nói rằng các quy định tài chính mới vừa thực tế hơn vừa hiệu quả hơn, vì nó đặt ra các số liệu rõ ràng về mức thâm hụt thấp hơn và tỷ lệ nợ giảm đi, kèm với các biện pháp khuyến khích đầu tư và cải cách cơ cấu, giúp củng cố sự ổn định trong khối.

Thỏa thuận này sẽ không có hiệu lực đối với chính sách tài chính của các thành viên EU năm 2024, vì ngân sách quốc gia cho năm tới đã được quyết định trên cơ sở các hướng dẫn trước đó vào năm 2023.

Đây là cuộc cải cách thứ tư các quy tắc tài chính của EU, gọi là Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, được thiết kế để củng cố giá trị đồng euro, bằng cách hạn chế vay mượn của các chính phủ thành viên, tránh để các khó khăn về nợ quốc gia gây áp lực lên đồng tiền chung, như những gì đã diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha.

Hiệp ước này đặt ra giới hạn thâm hụt ngân sách hàng năm và tổng nợ công của các chính phủ không vượt quá lần lượt là 3% GDP và 60% GDP.

Hiện tại, hầu hết các thành viên EU, bao gồm cả Đức, hiện đang vượt xa mục tiêu nợ công 60% GDP sau khi chi tiêu mạnh tay trong đại dịch COVID-19.

Áp lực này trong thời gian gần đây càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine, khiến hầu hết các nước EU đều kêu gọi cải cách nhằm đặt ra con đường thực tế hơn để quay trở lại các tiêu chuẩn mong muốn./.