Nợ công của Việt Nam sẽ không quá 60% GDP vào năm 2030

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đề ra GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3%GDP.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị phổ biến Chiến lược nợ công đến năm 2030. (Ảnh: Vietnam+)

Mục tiêu của Việt Nam tới năm 2030 nợ công không quá 60% GDP. Bên cạnh, đó nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP. Trên cơ sở đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn thông tin như vậy tại Hội nghị phổ biến Chiến lược nợ công đến năm 2030, do Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ phối hợp tổ chức, ngày 20-21/6.

Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, để góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, điều này có ý nghĩa rất quan trọng.

“Đây là một trong chín chiến lược nhánh trong tổng thể hệ thống chiến lược ngành Tài chính đồng thời là cơ sở quan trọng tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia,” ông Tuấn nói.

Cụ thể, Chiến lược nợ công được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, một số chỉ tiêu cân đối lớn như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP.

Theo ông Tuấn, Chiến lược nợ công đề ra 6 định hướng lớn trong việc huy động và sử dụng vốn vay và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Chiến lược, bao gồm tập trung hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ; tổ chức thực hiện các công cụ, biện pháp quản lý nợ hiện đại; thực hiện huy động, quản lý và sử dụng nợ hiệu quả; phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước; quản lý nghĩa vụ nợ dự phòng; tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và minh bạch hóa thông tin.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, tác động sâu rộng tới việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh: “Các cơ quan, tổ chức, các địa phương cần sớm nghiên cứu, quán triệt đầy đủ và đề ra kế hoạch, lộ trình chi tiết đối với từng mục tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể tại từng cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng vốn vay nợ công để triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 một cách hiệu quả, thiết thực”./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)