Ninh Thuận tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Trong 9 tháng qua, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả kiến nghị của doanh nghiệp tập trung các lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường…
Đối với Ninh Thuận, những năm qua việc “Chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp;" luôn xem “sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh” đã và đang mang lại hiệu ứng tích cực.
Điều đó được thể hiện rõ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đều được tập trung tháo gỡ; các chính sách triển khai hỗ trợ doanh nghiệp được phát huy hiệu quả.
Số doanh nghiệp thành lập ngày càng tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng, đóng góp đáng kế vào tăng trưởng chung của tỉnh. Kết quả có được chính là trợ lực từ tinh thần, trách nhiệm của chính quyền tỉnh với doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó, mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần tạo động lực mới cho phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.
Điểm đến lý tưởng
Ninh Thuận nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên, giữ vai trò cầu nối trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các địa phương vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Ninh Thuận còn có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế biển, vùng lãnh hải rộng thuộc vùng nước trồi duy nhất của cả nước, rất thuận lợi cho phát triển du lịch, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản; nơi đây cũng có cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 DWT. Ninh Thuận tuy khắc nghiệt về thời tiết nhưng đó lại là lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo; nông nghiệp đặc thù…
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, ngoài lợi thế trên, tỉnh đang triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng.
Với lợi thế trên, Ninh Thuận đã xác định 5 cụm ngành đột phá gồm năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản. Thực tế trong những năm qua, một số cụm ngành đã thu hút đông doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư tại tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kim Song Mã, cho biết lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận rất đồng hành, luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Qua đó, chỉ đạo sâu sát các sở, ngành và các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thuế… Cụ thể, hằng tháng và mỗi quý, Ủy ban Nhân dân tỉnh đều tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để tìm hiểu, làm rõ những khuất tất mà doanh nghiệp gặp phải. Nhờ đó, doanh nhân luôn thấy an tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Mk, ông Nguyễn Tiến Nghị cũng cho hay, thời gian qua được sự đồng hành hỗ trợ kịp thời, xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh và các ngành địa phương, hầu hết lĩnh vực đầu tư của công ty từng bước được giải quyết rất hiệu quả. Doanh nghiệp cũng rất thuận lợi trong việc tiếp cận với các cấp chính quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư. Nhờ vậy, thời gian làm thủ tục đầu tư dự án được rút ngắn hơn so với trước, tiến độ thi công dự án được đảm bảo.
Điều đáng ghi nhận của doanh nghiệp, doanh nhân đang đầu tư tại Ninh Thuận đó là lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, tích cực thị sát cơ sở, tìm hiểu rõ khó khăn, lực cản mà doanh nghiệp đang gặp phải. Qua đó khích lệ, động viên tinh thần để doanh nghiệp nỗ lực "vượt nắng, thắng mưa" đẩy nhanh thi công dự án đúng cam kết khi nhận quyết định đầu tư.
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết thời gian qua mặc dù khó khăn, thách thức tác động đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không hề nhỏ. Thế nhưng các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh luôn nỗ lực, tự tin vượt khó và luôn tin tưởng vào sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của tỉnh. Vì thế, hoạt động của doanh nghiệp luôn ổn định và có chuyển biến tích cực.
Điều đáng mừng, đó là trong 9 tháng năm 2024, tỉnh có 331 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đầu tư 4.162 tỷ đồng, tăng 0,61% số doanh nghiệp (331/329 doanh nghiệp); có 114 doanh nghiệp mở rộng kinh doanh với số vốn đăng ký bổ sung thêm trên 3.599 tỷ đồng, tăng 1,98 lần so cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay có 4.590 doanh nghiệp, với số vốn đầu tư trên 94.300 tỷ đồng.
Sự vượt khó, vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận. Trong 9 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8% so cùng kỳ, xếp vị trí 19/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Bứt tốc phát triển
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Vì thế tỉnh luôn khuyến khích hình thành, phát triển những doanh nghiệp mạnh, doanh nhân giỏi nhằm khơi dậy khát vọng làm giàu của toàn xã hội. Tỉnh luôn nhận thức rõ “sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh."
Do đó, tỉnh mong muốn cộng đồng doanh nhân tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
Với chủ trương xuyên suốt là đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất quán tinh thần kiến tạo phát triển, tỉnh Ninh Thuận luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trên tinh thần đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã và đang triển khai cụ thể nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị và cuộc họp chuyên đề để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, khoáng sản, quy hoạch...; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội.
Điều đáng phấn khởi, trong 9 tháng qua, 45 kiến nghị của doanh nghiệp tập trung các lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường… đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả; đồng thời đã hỗ trợ cho 6.433 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh với tổng số tiền trên 389 tỷ đồng; trong đó, giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho hơn 6.000 lượt với số tiền hơn 378 tỷ đồng; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 408 trường hợp với số tiền 11,5 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Thuận, mặc dù hoạt động của doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi song vẫn còn một số khó khăn nhất định. Cụ thể số doanh nghiệp quay trở lại thị trường giảm 25%; tạm ngừng hoạt động tăng 15,8%; giải thể tăng 4,35% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực còn nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm; xuất khẩu nông, thủy sản giảm mạnh do khó khăn về thị trường.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các ngành, địa phương còn thiếu đồng bộ, nhịp nhàng, một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xử lý còn chậm, nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp nước, cấp điện... chưa được xử lý và đáp ứng kịp thời.
Tuy nhiên, với tinh thần khát vọng vươn lên, vì sự thịnh vượng và phát triển của tỉnh, của cộng đồng doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cam kết tiếp tục lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững./.