Ninh Thuận tập trung 3 khâu đột phá và 6 lĩnh vực trọng tâm ưu tiên đầu tư
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 là năm “tăng tốc,”có ý nghĩa quan trọng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tỉnh Ninh Thuận sẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tỉnh tập trung thực hiện 3 khâu đột phá và và 6 lĩnh vực trọng tâm ưu tiên đầu tư, tạo bứt phá phát triển mới trong năm 2024.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết năm 2024 là năm “tăng tốc,”có ý nghĩa quan trọng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.
Trên tinh thần đó, 3 khâu đột phá mà tỉnh xác định thực hiện là tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất-kinh doanh và đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, nhất là dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng; tạo đột phá trong lĩnh vực đất đai để khơi thông nguồn lực.
Đồng thời, phát triển 6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng đó là thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; phát triển năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư phát triển kinh tế đô thị.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho hay để thúc đẩy tăng trưởng, Ủy ban Nhân dân tỉnh đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cùng các nhiệm vụ cụ thể và 54 công trình, dự án động lực quan trọng để triển khai, cụ thể hóa 3 khâu đột phá trên.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh, trọng tâm là những chính sách liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng... để khơi thông đầu tư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của năm 2024 và các dự án đang thi công như hồ chứa nước Sông Than; đường giao thông nối cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1 và Cảng tổng hợp Cà Ná; đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải-Tiểu dự án thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá đất cụ thể trên địa bàn, không gây khó khăn, chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân-doanh nghiệp-nhà nước khi thu hồi đất thực hiện dự án.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án..., tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đến cuối năm 2024 giải ngân vốn đạt 100% kế hoạch được giao.
Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục duy trì 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch làm tổ trưởng, tăng cường kiểm tra thực tế, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.
Tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng số..
Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào khai thác tuyến đường Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo vào Quý I/2024; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải-Tiểu dự án thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng trong năm 2024; nghiên cứu các cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả việc đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Song song đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng thủy lợi, hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, các dự án đầu tư từ nguồn tài trợ của AFD, ADB8, WB và các dự án tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhất là hoàn thành giai đoạn 1 và xúc tiến đầu tư Cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2; xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư và triển khai dự án Điện khí LNG Cà Ná; khu công nghiệp Cà Ná; dự án hóa chất sau muối, Trung tâm logistics Cà Ná, kho xăng dầu Cà Ná (huyện Thuận Nam).
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển Kinh tế Số, Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử và các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Lê Kim Hoàng cho biết trong năm qua mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức tác động, nhưng với sự quyết tâm của tỉnh, bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều điểm sáng.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 9,40%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước và thứ 2/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Các lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá, xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, môi trường đầu tư được cải thiện.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, theo Quyết định số 954/QĐ-TTg của Chính phủ.
Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, khuyến công và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian tới./.