Ninh Thuận điều chỉnh quy mô dự án nối cao tốc Bắc-Nam đến Cảng biển Cà Ná

Dự án đường nối từ cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cá Ná là dự án nhóm B, có tổng chiều dài tuyến 14,8km do Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư với tổng vốn 903 tỷ đồng.

Đường từ nút giao thông cao tốc Bắc-Nam đến với Quốc lộ 1 (dự án thành phần 1) được khẩn trương thi công. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để tạo động lực phát triển các dự án quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Ninh Thuận thống nhất điều chỉnh quy mô dự án, tiếp tục đầu tư thông tuyến tại điểm đầu khu công nghiệp Cà Ná đến Cảng biển tổng hợp Cá Ná (huyện Thuận Nam) với chiều dài 8,2km, nâng tổng chiều dài tuyến từ nút giao thông cao tốc Bắc-Nam đến Quốc lộ 1 vào Cảng biển tổng hợp Cà Ná dài 23km.

Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận, chủ đầu tư dự án, cho biết dự án đường nối từ cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cá Ná là dự án nhóm B, có tổng chiều dài tuyến 14,8km do Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư với tổng vốn 903 tỷ đồng.

Dự án được phân chia làm 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 - đoạn nối từ đường cao tốc Bắc-Nam đến Quốc lộ 1 với chiều dài 10,14km, vốn đầu tư hơn 651 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương 610 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương; Dự án thành phần 2 - đoạn từ Quốc lộ 1 đến giáp ranh giới khu công nghiệp Cà Ná có chiều dài 4,66km với vốn đầu tư trên 251 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn hợp pháp nhà tài trợ gần 214 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, thực tế dự án đang được triển khai trong hai năm qua.

Đường từ nút giao thông cao tốc Bắc-Nam đến với Quốc lộ 1 (dự án thành phần 1) được khẩn trương thi công. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tuy nhiên để đáp ứng mục tiêu của dự án, đặc biệt là để tăng kết nối giao thông với cả khu công nghiệp Cà Ná và Cảng biển tổng hợp Cá Ná, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thống nhất điều chỉnh, tăng chiều dài tuyến đường lên 8,2km, nhưng tổng mức đầu tư có giảm so với dự án trước đây được phê duyệt, từ 903 tỷ đồng giảm còn khoảng 689 tỷ đồng, giảm gần 214 tỷ đồng.

Theo phân tích của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, tổng mức đầu tư giảm chủ yếu là ở dự án thành phần 1, bởi dự án thành 1 giảm được chi phí giải phóng mặt bằng do có một số phần đất không phải bồi thường, hỗ trợ, phần còn lại chỉ bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất; giảm chi phí đầu tư giai đoạn 2 của dự án thành phần 1; giảm chi phí xây dựng và tiết kiệm sau đấu thầu; giảm chi phí dự phòng...

Tuy nhiên, đối với dự án thành phần 2 tổng mức đầu tư được tăng lên khoảng 9 tỷ đồng, tức trên 260 tỷ đồng so với dự án được phê duyệt trước đây hơn 251 tỷ đồng, bởi chiều dài tuyến đường tăng lên 8,2km, vốn được dùng để chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng và các chi phí khác có liên quan.

Theo chủ đầu tư dự án, đến nay Dự án thành phần 1 có tổng giá trị hoàn thành ước đạt 75% giá trị hợp đồng, hiện các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành công trình trong năm 2024.

Đối với Dự án thành phần 2, do khó khăn nguồn lực tài chính nên nhà tài trợ xin bàn giao lại cho địa phương.

Vì vậy, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn, điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án, dự kiến hoàn thành khớp nối toàn tuyến vào cuối năm 2025.

Dự án khi hoàn thành sẽ tạo động lực lớn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận bứt phá phát triển; giúp cho việc thu hút đầu tư, tăng liên kết giao thương giữa Ninh Thuận với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên và Bắc Trung bộ thuận lợi và hiệu quả hơn./.