Ninh Bình đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản bằng Công nghệ Số
Ninh Bình đang triển khai xây dựng số hóa cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trên địa bàn, tạo bước tiến mới trong công tác bảo tồn, góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Ninh Bình sở hữu di sản văn hóa phong phú về loại hình và giàu có về giá trị, bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Xác định di tích, di sản là thế mạnh trong phát triển du lịch, Ninh Bình đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trên địa bàn, tạo bước tiến mới trong công tác bảo tồn, góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Tham quan bảo tàng "online"
Số hóa bảo tàng là xu hướng tất yếu để thích ứng sự phát triển chung. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình triển khai hiệu quả Dự án xây dựng hệ thống quản lý thông tin và tạo lập cơ sở dữ liệu một số hiện vật tiêu biểu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Khách tham quan chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính truy cập website "baotangtinh.ninhbinh.gov.vn" không chỉ cập nhật hoạt động của Bảo tàng Ninh Bình mà còn có thể xem hình ảnh 3D của các hiện vật cùng thuyết minh. Đây là một trong số hình thức thuyết minh hiện đại, mang lại sự thích thú cho du khách.
Đơn vị số hóa gần 1.000 hiện vật, hồ sơ phục vụ công tác bảo tồn, giới thiệu đến du khách trên Không gian Số.
Chị Nguyễn Thị Yên, thành phố Ninh Bình chia sẻ, kênh thông tin của Bảo tàng tỉnh rất hấp dẫn. Qua kênh thông tin này, không cần người hướng dẫn chị có thể biết chính xác giá trị lịch sử từng hiện vật.
Khách tham quan không có điều kiện đến tận nơi để xem vẫn có thể truy cập website nhìn các hiện vật và nắm thông tin. Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình cho biết, hoạt động Chuyển đổi Số tại đơn vị được thực hiện hiệu quả, góp phần vào công tác quản lý và phát huy giá trị hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng, phục vụ nhu cầu tham quan của người dân, du khách một cách hiện đại, thuận tiện.
Phát huy giá trị các di sản, thông qua website của Bảo tàng, du khách có thể tham quan Bảo tàng thông qua tính năng VRTOUR360 bằng máy tính hoặc điện thoại. Truy cập vào tính năng này để tìm hiểu thông tin, hình ảnh, hiện vật của Bảo tàng, du khách có thể dễ dàng tham khảo, nghiên cứu thông qua các hình ảnh được thể hiện sống động, hấp dẫn với đầy đủ thông tin.
Bên cạnh đó, Chuyển đổi S ố giúp công tác bảo quản, quản lý, sắp đặt, trưng bày đối với tài liệu, hiện vật được thực hiện khoa học. Thông qua Chuyển đổi Số, các tài liệu, hiện vật khi sưu tầm về đã được số hóa, phục vụ cán bộ nghiên cứu, nhà nghiên cứu của địa phương và Trung ương trong tìm hiểu thông tin, hình ảnh tài liệu, hiện vật một cách nhanh chóng, khoa học.
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, việc xây dựng bảo tàng số tận dụng tối đa ưu thế vượt trội của công nghệ số phục vụ đa dạng nhu cầu của công chúng, phù hợp điều kiện, thời gian, không gian, nhu cầu thông tin từ khái quát cho đến trải nghiệm, giúp khách tham quan tiếp cận gần hơn các hiện vật.
Năm 2023, Bảo tàng đón tiếp, hướng dẫn trên 19.700 lượt khách tham quan và học sinh, trong đó có 234 lượt khách quốc tế. Nhiều du khách khi đến Bảo tàng được ứng dụng hiệu quả công nghệ số để tham quan, khám phá thông qua mã QR đính kèm tại các khu vực cũng như hiện vật, hay sử dụng màn hình tại gian trưng bày...
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp đồng bằng sông Mã qua vùng núi Tam Điệp, có tuyến đường huyết mạch quốc gia chạy qua.
Vị trí địa lý đặc biệt ấy khiến Ninh Bình sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tạo nên màu sắc văn hóa độc đáo, ghi dấu trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được người dân trao truyền, gìn giữ từ hàng ngàn năm nay. Di sản văn hóa vật thể ở Ninh Bình khá phong phú, bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.800 di tích được kiểm kê; 466 di sản văn hóa phi vật thể. Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, công tác quản lý di sản văn hóa những năm gần đây đã kế thừa mặt mạnh, khắc phục hạn chế; tiếp cận cách thức quản lý mới khoa học, có tính hội nhập quốc tế nên việc quản lý di sản dần đi vào nền nếp, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Ngành tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quy chế quản lý di tích trên địa bàn, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết riêng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tạo cơ sở để các cấp, ngành cùng toàn thể cộng đồng chung tay bảo vệ di sản.
Năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin "Số hóa, tạo lập cơ sơ dữ liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu về vị trí, thông tin cho các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tỉnh Ninh Bình trên cơ sở ứng dụng công nghệ hệ thông tin địa lý GIS.
Ngành xây dựng cơ sở dữ liệu không gian ảo cho một số di sản văn hóa vật thể phục vụ công tác quản lý, lưu trữ, bảo tồn, quảng bá hình ảnh di sản, cụ thể cơ sở dữ liệu không gian ảo được xây dựng cho 49 điểm di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh.
Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tư liệu film, ảnh cho di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng mục chức năng “Di sản văn hóa” để mở rộng Cổng thông tin điện tử và khai thác bảo tàng thông minh gồm các phân hệ sau: Phân hệ Thông tin Di sản văn hóa; Phân hệ Không gian ảo VR360; Phân hệ Bản đồ di sản văn hóa; Phân hệ Quản trị nội dung; Phân hệ Quản trị bản đồ; Phân hệ Khai thác thông tin trên ứng dụng di động. Các ứng dụng chạy trên các nền tảng Desktop và Mobile phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, hỗ trợ ra quyết định trong quản lý di sản văn hóa.
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh số hóa một cách đồng bộ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm đạt mục tiêu chung trong chương trình "Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ.
Ngành tập trung kiểm kê di sản, di tích trên địa bàn tỉnh, đưa hệ thống các di sản, di tích vào phần mềm quản lý của ngành, quảng bá trên Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững...
Ninh Bình tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư kinh phí thường xuyên và đảm bảo xây dựng, vận hành hệ thống lưu trữ số cũng như hệ thống máy móc, thiết bị chuyên dụng phục vụ số hóa di sản./.