Ninh Bình: Công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị đến năm 2040

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 26/3/2025.

Ngày 26/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 26/3/2025. Theo đó, ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hoa Lư; xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính các xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; phường Tân Bình và xã Yên Sơn thuộc thành phố Tam Điệp; xã Phúc Sơn và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan; xã Khánh Thượng thuộc huyện Yên Mô. Quy mô lập quy hoạch khoảng 23.242 ha với tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ; Trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế; Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình.

Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Dự báo phát triển, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 410.000-430.000 người; đến năm 2040 khoảng 540.000-560.000 người. Về đất đai, đến năm 2030 diện tích đất xây dựng khoảng 10.500-11.400 ha; đến năm 2040 diện tích đất xây dựng khoảng 13.700-14.600 ha.

Đồ án quy hoạch chung xác định mô hình cấu trúc phát triển gồm: Phát triển theo mô hình đô thị di sản với cấu trúc gắn kết giữa di sản và đô thị, nông thôn gồm: 1 trung tâm; 2 vùng, 5 Khu vực.

Khu vực đô thị trung tâm là vùng phát triển đô thị tập trung phía Đông, gắn với các chức năng trung tâm hành chính-chính trị, văn hóa cấp tỉnh, trung tâm tổng hợp của thành phố Hoa Lư.

Khu vực Quần thể danh thắng Tràng An là vùng lõi, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới, quần thể danh thắng Tràng An, bao gồm khu vực Cố đô Hoa Lư, khai thác phát huy giá trị tạo trung tâm kết nối về du lịch và dịch vụ.

Khu vực sinh thái đô thị là vùng đệm bảo tồn di sản, với chức năng là khu vực dân cư kết hợp sản xuất nông nghiệp, là vùng chuyển tiếp giữa vùng lõi di sản Tràng An và khu vực phát triển đô thị, khu vực nông thôn gắn với các chức năng bảo tồn sinh thái, du lịch sinh thái cộng đồng.

Khu vực Bái Đính là vùng đệm dịch vụ sinh thái phía Tây, gắn với khu du lịch văn hóa chùa Bái Đính, là trung tâm dịch vụ hỗn hợp vành đai phía Tây của đô thị. Khu vực Bến Đang là vành đai đô thị dịch vụ sinh thái phía Tây Nam, phát triển trung tâm dịch vụ hỗ trợ mới, làm động lực phát triển kinh tế-xã hội toàn tỉnh, mang tính đột phá về dịch vụ du lịch.

Đồ án cũng nêu rõ định hướng phát triển không gian tổng thể phát triển đô thị gắn với bảo tồn và phát huy giá trị quần thể danh thắng Tràng An, di tích Cố đô Hoa Lư, theo mô hình đô thị di sản.

Phát triển đô thị tập trung phía Đông, gắn với trục phát triển Bắc Nam, tạo vành đai đô thị, dịch vụ xung quanh vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư.

Phát triển không gian đô thị xanh gắn với hệ sinh thái tự nhiên của khu vực gồm: Các khu vực núi đá vôi, mặt nước, cảnh quan sinh thái hấp dẫn, đan xen hài hòa với không gian các khu vực xây dựng tập trung là các khu đô thị hiện trạng cải tạo, khu đô thị mới, khu chức năng, khu du lịch, làng du lịch, làng xóm nông thôn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho rằng, quy hoạch có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, phát triển tỉnh Ninh Bình hiện nay và trong tương lai.

Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014. Sau 10 năm tập trung thực hiện, đô thị Ninh Bình đã đạt được kết quả tích cực, quan trọng, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển đô thị Ninh Bình và của tỉnh Ninh Bình trong suốt giai đoạn vừa qua; diện mạo đô thị ngày càng khang trang, không gian đô thị được mở rộng.

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng an được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ, trở thành trọng điểm du lịch của cả nước, mang tầm quốc tế; mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy, phát triển được chú trọng và đảm bảo.

Các công trình giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình hạ tầng xã hội đã được đầu tư; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm nền tảng quan trọng để thành phố Hoa Lư với đặc trưng đô thị di sản đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Căn cứ các quy định của Luật Quy hoạch đô thị, các yêu cầu về phát triển đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để đáp ứng các điều kiện phát triển kinh tế- xã hội nhằm xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, thành phố xanh và là cực tăng trưởng khu vực các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình khẳng định, việc lập và điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Việc lập điều chỉnh quy hoạch là kết quả nghiên cứu khoa học, tiếp thu ý kiến từ Trung ương đến địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia và người dân. Đây là đồ án quy hoạch được nghiên cứu kỹ lưỡng với mong muốn, khát vọng, tầm nhìn dài hạn.

Dịp này, 1 tập thể và 6 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình do có những thành tích xuất sắc trong công tác lập Đồ án điều chỉnh chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040./.