Niềm tự hào của những chiến sỹ ở Thái Bình trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ
Sau 50 năm Ngày đất nước được giải phóng, những người lính can trường năm xưa ở Thái Bình có dịp gặp lại nhau, cùng nhớ lại những ngày, tháng sống, chiến đấu nhiều khó khăn, gian khổ nhưng đầy tự hào.
Trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ oanh liệt, Thái Bình là một trong những tỉnh đóng góp sức người, sức của lớn nhất cho chiến trường miền Nam với trên 20 vạn người con ưu tú lên đường tham gia và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường.
Sau 50 năm Ngày đất nước được giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà, những người lính can trường năm xưa có dịp gặp lại nhau, cùng nhớ lại những ngày, tháng sống, chiến đấu nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy tự hào.
Anh dũng chiến đấu “vì miền Nam ruột thịt”
Có mặt từ sớm tại cuộc gặp mặt đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, chiến sỹ bị địch bắt tù đầy trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ do Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi (sinh năm 1952, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) không giấu nổi vui mừng khi gặp lại những đồng đội cũ tại chiến trường năm xưa.
Ông cũng là người đã cắm lá cờ giải phóng trên tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất lúc 9 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975.

Năm 1971, khi đang học tại Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn, ông Phạm Văn Lãi xung phong nhập ngũ. Ông được điều động vào chiến trường B2, nhận nhiệm vụ tuyên huấn tại Cục Chính trị Miền.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trại Davis là nơi đặt trụ sở của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Sài Gòn để đấu tranh nhằm bảo đảm Hiệp định Paris được thi hành.
Ông Phạm Văn Lãi lúc đó là Thượng sỹ thuộc Ban Chính trị Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trực tiếp tham gia hoạt động tại trại Davis, âm thầm đấu tranh cách mạng ngay tại hang ổ của địch bằng con đường đấu tranh chính trị, ngoại giao quân sự.
Sáng 30/4/1975, ông Lãi được cấp trên giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ trao cho vệ binh cắm ở điểm cao nhất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông cùng cảnh vệ Nguyễn Văn Cẩn hỗ trợ di chuyển đến chân tháp nước, cắm thành công lá cờ giải phóng tại trại Davis, trở thành đích ngắm cho pháo binh tính toán phần tử bắn chính xác, làm chuẩn cho bộ đội tiến công, khích lệ toàn quân dũng mãnh xông lên.
Đó cũng là một trong những lá cờ giải phóng được kéo lên sớm nhất trên bầu trời Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
Ngay chiều 30/4/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn được thành lập, nhiều cán bộ, chiến sỹ trại Davis được điều về Ủy ban Quân quản, trong đó có chiến sỹ Phạm Văn Lãi.
Sáng 1/5/1975, ông lại được thủ trưởng giao nhiệm vụ trèo lên cột cờ Dinh Độc Lập, thay lá cờ ông Bùi Quang Thận, cũng là người đồng hương quê Thái Bình với ông Lãi cắm lúc 11 giờ 30 phút hôm trước - lá cờ báo hiệu kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm mươi năm sau ngày giải phóng, ông Phạm Văn Lãi cùng những người lính quê hương Thái Bình với mái đầu bạc trắng, mắt mờ, chân chậm cùng hội ngộ, nhớ lại những năm tháng sống, chiến đấu vì lý tưởng, khát vọng hòa bình cho dân tộc.
Ông Trần Viết Doanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình chia sẻ, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” “Tất cả vì miền Nam ruột thịt,” Thái Bình là một trong những địa phương đóng góp sức người, sức của lớn nhất cho chiến trường miền Nam với trên 20 vạn người tham gia và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường; chi viện trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm, đóng góp gần 1,8 triệu ngày công cho tiền tuyến.
Kết thúc cuộc chiến, trên 34.400 người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh, 32.500 người đã hiến dâng một phần xương máu nơi chiến trường và gần 34.000 người nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Viết tiếp bản anh hùng ca bất diệt
Ghi nhận những thành tích to lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,” Huân chương Độc lập hạng Nhất, 6 Huân chương Quân công, 185 Huân chương Chiến công, 322 Huân chương Kháng chiến, 207 Huân chương Lao động của địa phương, trên 5.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 88 đơn vị và 50 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 13.000 gia đình quân nhân được tặng Bảng vàng danh dự và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nhìn lại những cống hiến, hy sinh của những người con ưu tú quê hương Thái Bình trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định tất cả đóng góp của quân và dân Thái Bình đã góp phần tạo nên bản anh hùng ca bất diệt, làm nên mùa Xuân đại thắng của dân tộc, tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc và truyền thống vẻ vang, kiên cường, bất khuất, cách mạng của quê hương Thái Bình.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong mỗi thời kỳ, dù khó khăn đến đâu, Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh nhà luôn coi công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, nỗ lực thực hiện tốt nhất các chính sách xã hội đối với người có công với nước, những người đã đóng góp, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Mảnh đất Thái Bình anh dũng trong những năm tháng chiến tranh nay đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay với những yêu cầu, nhiệm vụ mới của toàn hệ thống chính trị, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những người lính năm xưa với bản lĩnh chính trị vững vàng tiếp tục phát huy vai trò, uy tín tại cộng đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh các đồng chí cựu chiến binh, cựu Thanh niên xung phong, các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày mãi là “cột mốc sống” về niềm tin, ý chí, nghị lực và bản lĩnh, luôn đồng hành với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.
Đồng thời, họ tiếp tục là những hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước, hạt nhân quy tụ sự đoàn kết ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình luôn tự hào, biết ơn sâu sắc những hy sinh của thế hệ đi trước và coi đó là nguồn động viên tinh thần to lớn, là bài học quý báu cho thế hệ hôm nay và cho cả mai sau,” Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định./.