Những “vũ khí” hữu hiệu phòng chống sốt xuất huyết khi vào mùa cao điểm dịch
Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm, việc kết hợp giải pháp vaccine chủ động và kiểm soát trung gian gây bệnh là biện pháp phòng bệnh cấp thiết và hiệu quả nhất hiện nay.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 100.000-200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết được ghi nhận. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh một phần thực tế, bởi nhiều trường hợp bệnh không được chẩn đoán hoặc điều trị tại các cơ sở y tế.
Nguy hiểm hơn, giai đoạn hạ sốt trong sốt xuất huyết tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi người bệnh bắt đầu hạ sốt, đây có thể là lúc virus tấn công mạnh mẽ nhất, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sốc Dengue, suy đa cơ quan, bội nhiễm, thậm chí là tử vong...
Đó là những chia sẻ và cũng là trăn trở của các chuyên gia đầu ngành trong cuộc tọa đàm với chủ đề “Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi và tiêm vaccine dự phòng” do Báo điện tử VietnamPlus tổ chức vừa qua, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng gây nhiều gánh nặng cho ngành y tế lẫn cho xã hội những năm gần đây.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã có những chia sẻ về những mối nguy cơ của bệnh sốt xuất huyết và cách phòng bệnh, như kiểm soát trung gian truyền bệnh và phòng chống muỗi đốt.
Đặc biệt, hiện nay, việc tạo miễn dịch chủ động bằng vaccine là biện pháp mới, hữu hiệu, góp phần tạo lá chắn kháng thể từ bên trong, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, tăng nặng, nhập viện, qua đó giảm gánh nặng bệnh tật đã được các chuyên gia có những phân tích, trao đổi sâu sắc.
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa truyền thống như diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của vaccine phòng sốt xuất huyết.
Vaccine phòng sốt xuất huyết là biện pháp mới, hữu hiệu, góp phần tạo lá chắn kháng thể từ bên trong, giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, tăng nặng, nhập viện, qua đó giảm gánh nặng bệnh tật.
Sốt xuất huyết tại Việt Nam hiện nay-Mới chỉ thấy bề nổi của tảng băng
Bộ Y tế đánh giá bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng và trở thành gánh nặng cho ngành Y tế, đồng thời để lại nhiều hệ lụy cho người bệnh.
Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do tác động của biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.
Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng cho thấy tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều bệnh nhân tử vong. Riêng trong giai đoạn từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 6, Việt Nam đã ghi nhận hơn 22.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyên Trưởng Khoa Nhiễm-Thần Kinh (Bệnh Viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus có tên là Dengue gây ra.
Đây là bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn cả. Sốt xuất huyết dạng nhẹ có thể gây phát ban, sốt cao, dạng nặng thì có thể khiến người bệnh tử vong.
Theo bác sỹ Khanh, người nhiễm bệnh từ một type virus sẽ có khả năng tác dụng bảo vệ chỉ riêng với chủng đó. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể bị nhiễm các type virus khác và tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue trong tình trạng nặng.
Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) phân tích, với bệnh sốt xuất huyết có điểm rất khó khống chế, đó là những người đã bị nhiễm virus Dengue có thể lây truyền bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes cho người khác sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện trong khoảng 4-5 ngày, dù bệnh nhân đó không có triệu chứng.
Đáng lưu ý, một ổ dịch sốt xuất huyết dù đã được kiểm soát, sẽ luôn có nguy cơ bùng phát trở lại hoặc tạo ra một ổ dịch sốt xuất huyết khác do muỗi di chuyển và duy trì mầm bệnh trong cộng đồng.
Phân tích về tình hình dịch sốt xuất huyết, bác sỹ Thái nhấn mạnh về mức độ phổ biến của dịch, trên cả nước mỗi năm có hơn 100.000 trường hợp được ghi nhận, tuy nhiên đây cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi còn rất nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng không được ghi nhận. Khi bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, họ chỉ nghĩ là sốt thông thường và những đối tượng như thế chiếm số lượng rất đông.
Thực tế trong quá trình điều tra từ những vụ dịch sốt xuất huyết trước đó cho thấy có những vụ dịch mà tới 80% bệnh nhân có triệu chứng nhẹ chỉ thoảng qua, do đó con số thực những người nhiễm virus Dengue có thể cao hơn rất nhiều số liệu được báo cáo.
Vaccine - Giải pháp phòng ngừa bệnh tật hữu hiệu
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu.
Phân tích về vấn đề này, bác sỹ Phạm Quang Thái cho hay WHO có những đánh giá dựa trên mức độ nguy hiểm cũng như diện bao phủ của bệnh này. Ước tính, có hơn một nửa dân số thế giới đang sống trong vùng nguy cơ của bệnh sốt xuất huyết từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ và gần đây nhất là châu Âu.
“Trước đây, loài muỗi gây ra bệnh sốt xuất huyết không nhiều và tốc độ di chuyển cũng như độ lây lan không nhanh, nhưng hiện nay, với những tác động của biến đổi khí hậu và việc giao thương đi lại giữa các nước ngày càng nhiều và dễ dàng thì loài muỗi này đã trở nên phổ biến và xuất hiện ở hầu hết các châu lục. Ước tính trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng gần 40.000 trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết, gây ra nhiều gánh nặng về kinh tế cũng như sức khỏe của người dân. Vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước phải tăng cường các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trong thời gian tới,” bác sỹ Thái cho hay.
Theo các chuyên gia, tuy công tác tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết được lặp lại hằng năm, nhưng cộng đồng hiện vẫn còn nhiều hiểu lầm dẫn đến sự chủ quan trong việc thực hành.
Từ kinh nghiệm thực tế, hai bác sỹ cho rằng người dân thường chỉ chú trọng vào việc phòng chống muỗi ở môi trường sống trong gia đình, trong khi một con muỗi có thể mang mầm bệnh lây truyền giữa các hộ gia đình.
Ngoài ra, phần lớn người dân vẫn lầm tưởng rằng muỗi chỉ sinh sản trong ao tù hay nước đọng, nhưng trên thực tế, lăng quăng, bọ gậy đều xuất hiện ở những nơi ít ai ngờ đến như chậu cây lan, bình hoa, thậm chí cả máy quạt hơi nước.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến cho rằng để phòng ngừa sốt xuất huyết một cách bền vững, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng và tránh muỗi đốt, bên cạnh đó, sắp tới người dân có thể áp dụng phương pháp dự phòng chủ động bằng vaccine.
Bàn về vai trò quan trọng của vaccine, bác sỹ Khanh nhấn mạnh những sản phẩm vaccine được phát minh ra để có thể hạn chế những rủi ro từ bệnh. Những người đã tiêm vaccine sẽ có triệu chứng bệnh nhẹ hơn, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong khi mắc bệnh.
Theo Phó Giáo sư Thái, việc có một phương án dự phòng bằng cách tạo kháng thể từ bên trong còn giúp giảm đi gánh nặng kinh tế cho gia đình bệnh nhân và giảm tải gánh nặng cho ngành y tế trong công tác điều trị. Đó là những thành quả mà vaccine mang lại trong công cuộc phòng chống bệnh tật./.